Tp.HCM: Tương lai sẽ trở về với...sông nước
Tiện nghi tại ba khu vực chính
Theo sở Quy hoạch kiến trúc, phố đi bộ tương lai của trung tâm thành phố được xác định có ba chức năng chính nằm tại ba khu vực riêng biệt. Khu vực thứ nhất được kết nối giữa các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Bùi Viện hiện đang rất thu hút khách du lịch với nhiều khách sạn nhỏ, cửa hàng, tiệm ăn. Khu vực này sẽ mang đậm nét châu Á nhất trung tâm thành phố.Thứ hai là khu vực chợ Bến Thành và các khu vực lân cận, với mật độ các gian hàng lẻ, nhỏ, dày đặc, tạo nên nét đặc trưng và là một biểu tượng của thành phố.
Thứ ba là khu vực rộng lớn với nhiều nhà cao tầng, trung tâm hành chính, thương mại, mua sắm, khách sạn, bảo tàng... Khu vực này xoay quanh hai trục đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, kết nối với đường Đồng Khởi và khu vực xung quanh. Trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ được coi là khớp nối giữa khu trung tâm với các trục đường giao thông huyết mạch.
Theo thiết kế, sẽ có hai phương án giao thông thay thế phương tiện cá nhân khi đi vào khu vực trung tâm. Một là đỗ xe tại bãi đỗ xe khổng lồ dưới đất, đi bộ hoặc đi bằng phương tiện vận tải công cộng vào khu trung tâm. Lựa chọn thứ hai là bằng xe, bằng phương tiện thanh toán phí trung hạn. Xe hơi có thể gửi tại bãi đậu xe ngầm dưới trục đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ hoặc tại các điểm đậu xe tư nhân. Một đường vành đai ngoài khu trung tâm được đề xuất hình thành bởi các đường phố trên một quy mô đô thị (chiều kim đồng hồ) như Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Đức Thắng, đại lộ Đông Tây và một phần Nguyễn Thị Nghĩa. |
Hiện nay, ba khu vực chính nêu trên vẫn còn là sự chắp vá giữa các khu phố, chưa có được kết nối đồng bộ với nhau, tại mỗi khu vực cũng chưa có những điểm nhấn quan trọng. Do vậy, việc tăng cường đặc tính của từng khu phố sẽ theo cách tiếp cận tích hợp.
Trong giải pháp mà sở Quy hoạch kiến trúc đưa ra, chợ Bến Thành sẽ là tâm điểm. Từ chợ Bến Thành sẽ mở rộng và chỉnh trang lại các trục đường chính bằng cách tăng diện tích lối đi bộ, diện tích cây xanh. Đây được xác định là khu vực chợ, thu hút nhiều người đến và đi từ khu vực quảng trường trung tâm.
Khu dành cho du lịch sẽ được liên kết bởi đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, quảng trường Mê Linh và nhà thờ chính toà. Trục đường Đồng Khởi sẽ là trục xương sống dành cho các hoạt động thương mại của khu vực trung tâm. Khu vực Bùi Viện sẽ được củng cố từ trong ra ngoài trên cùng một trục đường. Các hoạt động quan trọng được nhóm gọn ở khu dành riêng cho người đi bộ ngay bên cạnh.
Đường Tôn Đức Thắng đưa TP.HCM về với sông nước
Trong lịch sử, Sài Gòn và Chợ Lớn đã được hình thành dựa trên yếu tố sông nước. Do vậy, mục tiêu của thiết kế này là đưa thành phố gắn hơn với bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé – hai địa điểm được coi là tài sản cảnh quan quan trọng nhất của TPHCM. Hiện nay, những khu vực này ít được sử dụng do khả năng tiếp cận cho người đi bộ còn thấp. Trục đường huyết mạch chính Tôn Đức Thắng lại đang thiếu những phương tiện, tiện nghi kết nối với bờ sông.Theo sở Quy hoạch kiến trúc, trong thời gian trung hạn sắp tới, nếu trục đường Tôn Đức Thắng không thể được đặt ngầm, sở sẽ đề xuất một số giải pháp như: tối ưu hoá phần đường phố, tìm kiếm không gian cho người đi bộ nhiều hơn; thiết kế phù hợp ngữ cảnh và thống nhất cho người đi bộ cả hai bên bờ sông.
Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng nhất tại khu vực này là sự kết hợp giữa trục Hàm Nghi và Nguyễn Huệ bằng một quảng trường nổi nhô ra sông như là một hình thức đối trọng với quảng trường Mê Linh. Nếu quảng trường này được thiết kế tốt có thể là một giải pháp hoàn hảo không chỉ cho khu vực bờ sông mà còn là hình ảnh quảng cáo cho TP.HCM.
(Theo SGTT)
- 111
- By Admin
- 26/05/2011
- 17