Tp.HCM: Tràn lan khu đô thị... bị bỏ hoang!
Khu đô thị mới Huy Hoàng (TPHCM) bán đất từ năm 2003, đến nay vẫn chỉ là một cánh đồng cỏ. Ảnh: Quỳnh Mai |
Đô thị “mọc” tràn lan…
Theo một số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM, chỉ tính từ năm 2000 đến 2006, thành phố đã giao đất cho hơn 2.000 dự án, tổng diện tích gần 13.000ha, trong đó có 500 dự án kinh doanh bất động sản (BĐS) với tổng diện tích khoảng 5.000ha. Những dự án kinh doanh BĐS được giao đất trong giai đoạn 2000 - 2006 chủ yếu là loại hình kinh doanh hạ tầng (phân lô bán nền). Sau năm 2006, loại hình kinh doanh BĐS dưới hình thức phân lô bán nền nhà đã không còn. Từ 2006 trở về sau này, những dự án kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố chủ yếu là kinh doanh căn hộ hoặc bán nhà.
Theo tính toán của Viện Kinh tế (nay là Viện nghiên cứu phát triển), tổng diện tích được giao trong giai đoạn 2000 - 2006 gần bằng diện tích của 12 quận nội thành cũ. Chỉ tính riêng các dự án kinh doanh BĐS dưới hình thức phân lô bán nền đã có diện tích tương đương diện tích của 5 - 6 quận. Để hình thành nên 12 quận nội thành của Tp.HCM phải mất đến 300 năm, nhưng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và tràn lan trong giai đoạn đầu của thế kỷ 21, thành phố chỉ mất chưa đến 10 năm.
Điều đáng nói ở đây đó là chất lượng của các khu đô thị mới hình thành theo kiểu nhà nhà, người người đua nhau làm dự án BĐS sau nhiều năm mới lộ ra. Đó là tình trạng không kết nối giao thông, không có hạ tầng xã hội hoặc chỉ ăn theo hạ tầng xã hội cũ đã tạo nên những khu đô thị “chết” vắng lặng bóng người. Sau gần 15 năm kể từ khi các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố được hình thành, cho đến thời điểm hiện nay mới chỉ có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (thuộc khu đô thị mới Nam Sài Gòn) tương đối có hình hài, phần đông còn lại đều trong tình trạng loang lổ hoặc hoang hóa. Ngay trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn – vốn được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh – ngoài 3 dự án gồm Phú Mỹ Hưng, Trung Sơn và Sadeco đã gần hoàn thành, phần còn lại đều trong tình trạng nhà không thấy mà người cũng chẳng có. Dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, dài gần 20km, cứ vài trăm mét là một dự án, nhưng đã hơn 10 năm nay, chỉ thấy chia lô rồi để đó. Tương tự, các khu đô thị mới trên địa bàn quận 2, quận 9 cũng ở trong cảnh nhà không, vườn trống.
… rồi bỏ hoang
Có một cách nhìn nhận và đánh giá sự việc này, ngoài tình trạng không kết nối hạ tầng giao thông, thiếu hạ tầng xã hội còn có tình trạng đầu cơ mua để đó chờ giá lên bán lại. Nói một cách khác, đó là tình trạng găm giữ đất đai.
Theo số liệu thống kê của Viện Kinh tế trước đây, tổng số nền nhà trong các dự án phân lô bán nền trước đây đã đưa ra thị trường có thể lên đến 300.000 - 400.000 nền. Tình trạng găm giữ nền đất trong các dự án phân lô bán nền là khá phổ biến. Trên địa bàn quận 2, các dự án lớn như Huy Hoàng, Thế kỷ 21, An Phú An Khánh... tại thời điểm chủ đầu tư bán ra thị trường cách đây gần 10 năm giá bán chỉ từ vài trăm ngàn đến 2-3 triệu đồng/m2, nay trên thị trường, giá đất của những dự án này đã tăng ít nhất 20 lần, chênh lệch trong khoảng từ 30-70 triệu đồng/m2. Qua 10 năm, giá đất đã tăng 20 lần, nhưng toàn dự án chỉ lèo tèo vài căn nhà, phần lớn diện tích bị bỏ cho... cỏ mọc; mặc dù có những dự án nằm “sát nách” UBND quận 2 cũng như cách trung tâm thành phố chưa đến 10 phút đi xe.
Càng xa khu trung tâm thành phố, tình trạng bỏ hoang các dự án càng nghiêm trọng, có nhiều dự án chẳng thấy bóng dáng ngôi nhà nào. Trên địa bàn quận 9, có hơn 100 dự án kinh doanh BĐS các loại nhưng số dự án đã lấp đầy đếm chưa hết đầu ngón tay. Dọc theo các trục đường Nguyễn Duy Trinh (nối quận 2 với quận 9), Đỗ Xuân Hợp... - một thời được mệnh danh là “thủ đô” của đất dự án - trong mùa mưa đi qua những con đường này chỉ thấy ngút ngàn cây cỏ. Về khu Nam Sài Gòn, dọc theo các trục đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương... chỗ nào cũng thấy đất dự án giăng giăng, nhưng chẳng thấy đô thị đâu cả.
Vài năm trước, Tp.HCM đã từng có nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành tiến hành tổng kiểm tra các dự án, dự án nào chậm trễ, không chịu xây dựng thì sẽ bị thu hồi... Thế nhưng hết chiến dịch thì đâu lại vào đấy, giới đầu cơ vẫn tiếp tục mua bán chuyền tay nhau, giá đất dự án vẫn cứ tăng đều đều qua từng tháng, từng năm. Thiết nghĩ, nếu thành phố không có các biện pháp mạnh thì tình trạng găm giữ đất trong các dự án, đẩy giá đất mỗi ngày mỗi tăng sẽ chẳng thể nào giải quyết được.
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 29/12/2010
- 17