• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Tìm nguồn vốn cho các dự án tàu điện ngầm

Trong đó, đã có ba tuyến kêu gọi được vốn ODA là tuyến số 1, 2 và 5; ba tuyến còn lại đang kêu gọi các nhà đầu tư trong đó hai tuyến số 3 và 6 Tp.HCM đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và hợp tác công tư (PPP), do đó các DN nước ngoài có thể tham gia.

Tp.HCM: Tìm nguồn vốn cho các dự án tàu điện ngầm | ảnh 1
Bản đồ tuyến Metro 2

Tp.HCM đã khởi công xây dựng 2 trong số 7 dự án metro

Tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khởi công xây vào đầu năm 2008, tổng chiều dài 19,7km (trong đó có 2,6km đi ngầm, 17,1km đi trên cao). Công trình lần lượt đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và một đoạn thuộc huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với 14 nhà ga, trong đó có 3 ngầm và 11 ga trên cao.

Tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ bắt đầu thi công vào tháng 6/2013. Dự kiến đến tháng 2/2017, tuyến metro này sẽ được khai thác. Tuyến này có điểm đầu tại Bến Thành (quận 1) và điểm cuối tại Tham Lương (quận 12) với tổng chiều dài hơn 11,3km, đi qua 6 quận: gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình và quận Tân Phú. Đoạn đi ngầm dài hơn 9,3km với độ sâu trung bình 18m.

Tuyến metro này có 10 ga ngầm gồm ga Bến Thành, Tao Đàn, Công trường Dân chủ, Hòa Hưng, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Hai, Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào, Bà Quẹo và Phạm Văn Bạch. Ngoài ra, còn có một đường nhánh dài gần một km nối với nhà ga depot Tham Lương và một km đuờng nằm trên cao.

Thời gian đưa vào vận hành thử và khai thác tuyến metro dự kiến vào đầu năm 2017 với tốc độ khai thác cho phép là 80km một giờ. Tuyến metro này sẽ sử dụng đoàn tàu chạy bằng điện năng. Từ khi đưa vào khai thác đến năm 2025, đoàn tàu gồm 3 toa và sau đó sẽ được nâng lên 6 toa. Tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro này là hơn 1,37 tỷ USD (tuơng đương 26,116 tỷ đồng).

Sự quan tâm của các DN nước ngoài

Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Tp.HCM và khoảng 20 công ty của Pháp vào chiều 5/4, hai công ty Colas Rail và Egis cho biết, họ quan tâm đến dự án metro của Tp.HCM. Lãnh đạo các công ty này nói có thể đưa ra các giải pháp nhằm giảm chi phí xây dựng đường tàu điện ngầm của Tp.HCM, và muốn biết những hạng mục đầu tư, gói thầu nào trong dự án hệ thống metro của Tp.HCM mà các công ty Pháp có thể tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM, hiện có một số gói thầu mà DN Pháp có thể tham gia, là tuyến metro số 2 chuẩn bị mời thầu xây dựng đường hầm 9,5km và 9 nhà ga cùng 1 đoạn trên cao. Gói thầu này trị giá khoảng 400 triệu USD.

Cũng trên tuyến metro này, có gói thầu 11km cho đường ray, DN Pháp cũng có thể tham gia lắp đặt đường ray trong gói thầu này, ông Quốc nói. Đối với dự án tuyến metro số 2, Chính phủ Đức cung cấp các đoàn tàu, do đó DN Pháp chỉ có thể tham gia xây dựng đường hầm và cung cấp đường ray. Dự kiến, việc mời thầu công khai sẽ được công bố vào giữa năm 2012. Hiện có hai dự án metro (tuyến số 3 và 6) Tp.HCM đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và hợp tác công tư (PPP), do đó DN Pháp có thể tham gia.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Tp.HCM đã quy hoạch 6 tuyến metro với tổng chiều dài 120km. Trong đó, đã có ba tuyến kêu gọi được vốn ODA là tuyến số 1, 2 và 5, ba tuyến còn lại là kêu gọi nhà đầu tư. Dự án tuyến metro số 1 nhận ODA từ Nhật Bản. Dự án tuyến số 2 nhận vốn của Đức (trên 300 triệu USD) cùng hợp vốn của một số ngân hàng, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 500 triệu euro cho tuyến metro số 5. Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý cho sáu công ty Tây Ban Nha tham gia tổng thầu metro số 5, nhưng sau đó các công ty này đã xin ngừng tham gia do thiếu vốn. Do đó, hiện dự án tuyến metro số 5 còn thiếu 180 triệu euro và Tp.HCM đề nghị Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án này. Hiện tuyến metro số 4 đã có nhà đầu tư Thái Lan đang nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT.

(Theo VEN)

  • 114
  • By Admin
  • 12/04/2012
  • 17