• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Tiếp tục chiến lược phát triển nhà ở

Tại buổi Tổng kết tình hình thực hiện chính sách nhà ở và phát triển nhà ở tại Tp.HCM giai đoạn 2006-2010 diễn ra vào ngày 17/6, ông Nguyễn Tấn Bền - Giám đốc Sở Xây dựng đưa ra số liệu: “Trong năm năm, Tp.HCM đã xây dựng được 33,34 triệu m2 diện tích sàn, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 10,3 m2 lên 14,3 m2. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP sẽ đạt 17 m2”.

Ông Bền cho hay thời gian qua, nhiều chương trình nhà ở tại TP đã đạt được những kết quả đáng kể. Đến cuối năm 2010, chương trình nhà lưu trú cho công nhân cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu chỗ ở của công nhân. Về ký túc xá cho sinh viên, chỉ trong hai năm qua đã có năm dự án (cung cấp 67.000 chỗ ở) được khởi công, dự kiến năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Về nhà thu nhập thấp, đã có 12 chủ đầu tư đăng ký thực hiện, trong đó TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư năm dự án với quy mô gần 8.800 căn hộ… Cạnh đó, trong năm năm TP đã di dời, xây dựng, cải tạo 62 chung cư (tháo dỡ 21 chung cư, xây dựng hoàn thành 25 chung cư, sửa chữa cải tạo 16 chung cư).

Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP (Hepza) Vũ Văn Hòa cho rằng chính sách ưu đãi cho nhà lưu trú công nhân vẫn chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tham gia. “Ưu đãi về thuế chỉ áp dụng cho năm 2009, trong khi thủ tục đầu tư dự án phải mất 1-2 năm nên những dự án gần đây gặp không ít khó khăn” - ông Hòa trình bày.

Tp.HCM: Tiếp tục chiến lược phát triển nhà ở | ảnh 1
Chung cư vẫn là sự lựa chọn phù hợp nhất của đa số người dân có nhu cầu thật về chỗ ở. Trong ảnh: Thi công xây dựng một chung cư ở quận 8, Tp.HCM. Ảnh: HTD

Cũng theo ông Hòa, một khó khăn nữa là các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay khi đầu tư loại hình nhà lưu trú cho công nhân. Bởi đây là các dự án chậm thu hồi vốn (có khi mất tới 20 năm), theo ngân hàng thẩm định thì dự án không hiệu quả nên doanh nghiệp không được vay. Từ đó, ông Hòa kiến nghị TP kéo giãn thời gian cho vay kích cầu với loại dự án này từ bảy năm thành 10 năm.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP cũng bày tỏ, các doanh nghiệp xây dựng khu lưu trú cho công nhân ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp (vốn chiếm số lượng đáng kể) hiện vẫn phải đóng tiền sử dụng đất khi thực hiện dự án. Đây là trở ngại cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. “Nên chăng có chính sách công bằng cho cả hai đối tượng, trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp đều được hưởng như nhau” - vị này kiến nghị.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Hà, cho hay: Qua khảo sát, Tp.HCM có tỉ lệ hộ phải thuê nhà cao nhất nước, giá thuê nhà đắt hơn cả Hà Nội, trong khi giá bán lại rẻ hơn. Cũng theo ông Hà, khi đi kiểm tra thực tế thì hầu như 100% chung cư ở Hà Nội đều đưa vào sử dụng, trong khi nhà liên kế và biệt thự chỉ khoảng 80%. “Điều đó cho thấy chung cư vẫn là sự lựa chọn phù hợp nhất của đa số người dân có nhu cầu thật về chỗ ở. Trong phát triển nhà ở, phải chú trọng loại hình này” - ông Hà lưu ý.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định việc phát triển nhà ở không chỉ tập trung trong giai đoạn 2006-2010. Trong thời gian tới, đây sẽ vẫn tiếp tục là chương trình chiến lược, trọng tâm của TP nhằm đảm bảo cho người dân được an cư, lạc nghiệp.

Quy định về tiền sử dụng đất hiện nay còn nhiều vướng mắc. Sở đã có nhiều kiến nghị gửi các bộ liên quan nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.

Ông NGuyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Tp.HCM

Giải pháp về quỹ đất cho nhà ở xã hội do Sở Xây dựng đưa ra rất khó thực hiện. Sở này đề xuất lấy quỹ đất do lấn chiếm, sử dụng sai mục đích để xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đây thường là các khu vực có vị trí đắc địa, do đó giá của nhà ở xã hội sẽ tăng lên.

Ông Hồ Phương, Trưởng phòng QLĐT quận Bình Thạnh

(Theo PLTP)

  • 120
  • By Admin
  • 18/06/2011
  • 17