Tp.HCM: Thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà, đất còn nhiều bất cập
Cụ thể, Quyết định 54 ngày 30/3/2007của UBND Tp.HCM quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở có nhiều quy định gây khó khăn cho người dân cần sớm được bãi bỏ.
Thực tế khác với quy định
Năm 1998, ông Đào Ngọc Lâm và bà Nguyễn Thị Nương xảy ra tranh chấp việc mua bán căn nhà số 133/26 Ngô Đức Kế, phường 12 (quận Bình Thạnh). Vụ việc được TAND quận Bình Thạnh đưa ra xét xử với phán quyết, bà Nương phải chi trả một khoản tiền mà ông Lâm trước đó đã đứng ra trả thông qua một hợp đồng ủy quyền sử dụng căn nhà trên. Thế nhưng, trong nhiều năm, bà Nương đã không thực hiện quyết định này.Trong khi ông Lâm đang giữ giấy tờ của căn nhà mà UBND Tp.HCM đã cấp vào năm 1998 (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 2128/1998 ngày 22/1/1998), thì không hiểu sao ngày 25/2/2011, UBND quận Bình Thạnh lại cấp giấy chứng nhận căn nhà trên cho bà Nương (GCN CH00914). Tìm hiểu, chúng tôi được biết bà Nương đã làm đơn cớ mất giấy tờ nhà và UBND quận Bình Thạnh căn cứ Quyết định 54 để cấp giấy chứng nhận căn nhà mà ông Lâm đang giữ giấy tờ chính.
Người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng UBND quận Bình Tân làm thủ tục nhà đất |
Qua phản ánh của một một số người dân tại quận Thủ Đức và Bình Tân, tình cảnh của họ cũng giống như ông Lâm, có nghĩa là một miếng đất hoặc một căn nhà được cấp giấy chứng nhận hai lần. Theo Quyết định 54, sai sót này của cán bộ, công chức và cơ quan có trách nhiệm dẫn đến thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường và bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, thực tế từ ngày thực hiện Quyết định 54 đến nay, chưa có cá nhân, đơn vị nào bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho dân.
Hậu quả là người dân phải gánh chịu bao chi phí và thời gian đi lại, “gõ cửa” khắp nơi để yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình. Các lỗi về ghi sai tên, sai CMND, số nhà trên giấy chứng nhận hoặc cấp chồng lên đất người khác… xảy ra khá nhiều thời gian qua, cũng do những quy định của Quyết định 54 thiếu chặt chẽ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.
Hay quy định về thời gian 50 ngày giải quyết một hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà, đất cũng không được nhiều địa phương thực hiện. Tỷ lệ trễ hẹn trong cấp giấy chứng nhận nhà, đất tại một số địa phương như quận 12, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn… có năm đạt hơn 30%, nhưng vẫn không thấy bị xử lý.
Việc công khai thủ tục hành chính và quy trình trong cấp giấy chứng nhận nhà đất ở nhiều địa phương thực hiện không tốt, cũng là một tồn tại, đã không ít gây khó khăn cho người dân nhưng chậm được khắc phục.
Sớm bãi bỏ những quy định làm khó dân
Trong một cuộc giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM liên quan đến việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm của HĐND và UBND, đại biểu Trần Du Lịch đã yêu cầu sớm bãi bỏ Quyết định 54. Trong nhiều những bất hợp lý mà chúng tôi nêu ở phần trên, theo đại biểu Trần Du Lịch, Quyết định 54 còn trái với các quy định hiện hành.Cụ thể, theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nhiều quy định của Quyết định 54 không còn giá trị.
Hay việc Quyết định 54 quy định các dự án bất động sản phải hoàn chỉnh đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật như là một trong những điều kiện để xem xét cấp giấy tờ pháp lý đất đai, nhà cửa cho người dân mua đất cất nhà là không phù hợp và trái với các quy định hiện hành.
Từ thực tế theo dõi việc thực thi các văn bản pháp luật trong đời sống xã hội, chúng tôi nhận thấy thời gian qua có nhiều quy định của văn bản ra sau “đá” văn bản ra trước nhưng vẫn cùng lúc có hiệu lực thi hành. Một ví dụ rất cụ thể của tình trạng này là ở Điều 23 của Quyết định 54 quy định: Việc tách thửa, nhập thửa đất theo nhu cầu của người sử dụng đất. Người dân chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại UBND quận huyện.
Trong khi đó, Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 25/2/2009 của UBND Tp.HCM quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa (ra sau Quyết định 54 2 năm), lại quy định phải có ít nhất 2.000m2 đối với đất nông nghiệp và mặt tiền nhà không nhỏ hơn 4 - 5m (tùy vùng), mới cho tách thửa.
Những quy định ở hai văn bản này được coi là điển hình của việc làm khó dân đã được người dân nhiều lần kiến nghị hủy bỏ, hoặc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Rất mong các ngành chức năng cần sớm đề xuất để UBND TP quyết định bãi bỏ Quyết định 54 trong thời gian sớm nhất.
(Theo SGGP)
- 0
- By Admin
- 04/05/2011
- 17