Tp.HCM: Thêm dự án bị "hóa kiếp" tạm
Thảo Loan Plaza (khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh) theo quy hoạch là khu phức hợp gồm 9 cao ốc, có độ cao 14-20 tầng, tổng diện tích sàn khoảng 116.600m2, sau khi hoàn thành sẽ cung ứng cho thị trường 557 căn hộ, 3 tầng thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê.Tình trạng chung của các dự án BĐS đang bị “đóng băng” hiện nay: bồi thường, nhận đất dự án rồi rào lại để đó cho... cỏ mọc vì không có tiền để triển khai, thi công. |
Công trình được chủ đầu tư triển khai xây dựng trước hai khối nhà 3 và 4 (14 tầng nổi và 1 tầng hầm), dự kiến hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng vào tháng 5/2012. Ngày 9/3/2012, tức còn khoảng hơn 1 tháng nữa đến thời hạn hoàn thành như kế hoạch đề ra, nhưng mới chỉ xong phần đổ bê tông, phòng ốc chưa xây và công trình phải ngưng thi công do… hết tiền.
Tình hình này đang khiến nhiều khách hàng lo lắng không biết bao giờ dự án mới hoàn thiện, khi phần diện tích còn lại của khu phức hợp hiện nay vẫn là bãi đất hoang. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán ban đầu của dự án khoảng 26 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay khách hàng có thể mua giá khoảng 16 triệu đồng/m2 nếu trả tiền ngay 95% giá trị hợp đồng.
Việc “bán tháo” kiểu này là bất đắc dĩ nhằm tìm kiếm nguồn tài chính để tiếp tục hoàn thiện công trình, dù biết sẽ rất ít khách hàng có khả năng thanh toán “một cục” như vậy. Giám đốc một sàn BĐS tiết lộ nhiều căn hộ tại đây được chủ đầu tư cấn nợ cho đối tác, bản thân vị này cũng được “cấn” một penthouse trị giá khoảng 5 tỷ đồng.
Một góc dự án Kenton tại Nhà Bè (Tp.HCM). Ảnh: LÃ ANH |
Ngày 11/3, CTCP Địa ốc Vinaland chính thức đưa “chợ tạm” có quy mô 6.000m2 trong tổng số 18.000m2 tại một dự án cao ốc tại quận 7 vào khai thác. Đại diện công ty cho biết về lâu dài sẽ chuyển đổi thành chợ chính, nhưng trước mắt phải khai thác “chợ tạm” để tránh lãng phí đất đai cũng như tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Đi một vòng tại các quận nội thành, chúng ta không khó để thấy hàng loạt dự án cao ốc đang trở thành bãi giữ xe, quán nhậu…
Trước đó, hàng loạt dự án đã hoàn thành hoặc chuẩn bị hoàn thành nhưng vì đầu ra sản phẩm “tắc” nên chủ đầu tư xin đổi công năng.
Chưa lúc nào doanh nghiệp BĐS có nhu cầu chuyển nhượng dự án nhiều như thời điểm hiện nay. Và cũng chính vì nhu cầu cấp bách này mà hầu hết chủ đầu tư phải “bán tháo” dự án để thu hồi vốn. Một “đại gia” trong làng BĐS có biệt danh L. mua một dự án tại trung tâm quận 3 với giá 550 tỷ đồng, nhưng hiện nay kêu bán 450 tỷ đồng vẫn chưa có đối tác nào mua.
“Đại gia” này cũng vừa bị một đối thủ thâu tóm một dự án khác trên địa bàn quận Tân Phú do nợ nần. Thực tế này cho thấy hầu hết doanh nghiệp BĐS hiện nay rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Điều này có nguyên nhân sâu xa của nó. Vào thời điểm 2007, khi thị trường chứng khoán và BĐS đang sôi động, kênh huy động vốn từ ngân hàng, khách hàng, chứng khoán… khá dễ dàng, không ít doanh nghiệp như “đại gia” L. nói trên mua gom hàng loạt dự án, đầu tư dàn trải.
Theo đó mỗi dự án chỉ bỏ ra khoảng 20-30% vốn tự có, còn lại đi vay ngân hàng. Khi mua xong thị trường đảo chiều, dự án trùm mền, trong khi đó “lãi mẹ đẻ lãi con” và đến thời điểm này bán cũng không được mà triển khai cũng không xong, dự án có nguy cơ mất trắng.
(Theo ĐTTC)
- 131
- By Admin
- 12/03/2012
- 17