• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Thành công nhờ xã hội hóa chương trình phát triển nhà ở

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần thứ VIII đã xác định nhà ở là một trong 5 chương trình trọng điểm của TP giai đoạn 2006-2010. Ngoài nâng cao diện tích nhà ở, lãnh đạo TP cũng đã xác định mục tiêu nâng cấp nhà ở, chỉnh trang khu dân cư - đô thị và giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp.

Đa dạng hóa nguồn vốn

Theo UBND Tp.HCM, trong giai đoạn 2006- 2010, TP đã xây được 33,34 triệu m2 sàn, nâng tổng diện tích nhà ở lên 102, 84 triệu m2 (tăng 4% so với kế hoạch đề ra), bình quân 14,3 m2/người. Trong đó, diện tích sàn nhà lưu trú công nhân đạt trên 1,3 triệu m2, đáp ứng khoảng 433.000 chỗ ở, đầu tư xây dựng thêm 67.000 chỗ ở cho sinh viên và xây 8.263 căn nhà ở xã hội cho CBCNV, lực lượng vũ trang (1,2 triệu m2)… Lĩnh vực nâng cấp nhà ở, chỉnh trang đô thị cũng đạt được những kết quả đáng kể: Di dời 8.053/15.000 hộ dân sống trên - ven kênh rạch (đặc biệt là dự án cải tạo rạch Ụ Cây, quận 8, đã di dời gần 1.000 hộ dân đến nơi ở mới), nâng cấp 96 khu dân cư lụp xụp tại 14 quận, huyện; xây dựng, cải tạo 62/67 chung cư hư hỏng nặng.

Kết quả này không chỉ cơ bản giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân mà còn cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho người dân.

Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, suy thoái tài chính toàn cầu, trong khi đầu tư các chương trình nhà ở, vốn là yếu tố quyết định sự thành công. Để giải được "bài toán khó" này, bên cạnh vốn ngân sách, TP đã huy động nhiều kênh khác nhau, từng bước xã hội hóa đầu tư các chương trình nhà ở. Điển hình như trong đầu tư nhà lưu trú công nhân, xã hội hóa từ các cá nhân, hộ gia đình xây dựng chỗ ở chiếm đến 90%, lĩnh vực nhà ở cho người thu nhập thấp đã thu hút 12 doanh nghiệp tham gia đầu tư, trong đó 5 dự án đang triển khai xây dựng 8.760 căn. Đến cuối năm 2010, dự án nhà ở được phê duyệt và cấp phép xây dựng là 404 với tổng đầu tư khoảng 139.500 tỉ đồng cho 20,83 triệu m2.

Như vậy, trong gần 275 tỉ đồng đầu tư vào nhà ở trong 5 năm qua, ngân sách TP chỉ chiếm 1,69%; vốn từ cá nhân, hộ gia đình chiếm 37,8% và cao nhất là vốn từ doanh nghiệp chiếm 60,5%. Bên cạnh đó, chương trình nhà ở của TP cũng thu hút hơn 2 tỉ USD vốn FDI và ODA.

Cần chính sách thoáng hơn

Dự án nhà ở trên địa bàn TP chủ yếu là nhà ở thương mại. Trong khi nhiều dự án nhà ở "ế ẩm" thì nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp lại thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Đầu tư nhà ở cho các đối tượng này, ngân sách TP vẫn chiếm phần lớn. Dù đã có một số ưu đãi: Miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật; được vay vốn đầu tư… nhưng nhìn chung, chính sách về nhà ở không theo kịp thực tế thị trường đã khiến các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chưa hấp dẫn chủ đầu tư. Vì trên thực tế, nhiều chính sách ưu đãi chưa được cụ thể hóa bằng những quy định hướng dẫn khiến cả cơ quan thực thi lẫn nhà đầu tư không thể thực hiện. Ví dụ, vấn đề vay vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vì trong các dự án nhà ở xã hội có hạng mục kinh doanh thương mại nhưng tỉ lệ tối đa phần diện tích sử dụng cho thương mại lại chưa có quy định hướng dẫn nên khó tính giá bán để ngân hàng xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó, giá bán căn hộ thu nhập thấp hiện nay bị khống chế, lợi nhuận thấp và quay vòng lâu cũng là những vướng mắc chưa được tháo gỡ khiến nhà đầu tư e dè khi đầu tư vào thị trường nhà ở dạng này.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, để tiếp tục "vượt qua chính mình" trong tình hình kinh tế tài chính có nhiều biến động, TP cần nghiên cứu tháo gỡ những nút thắt về chính sách để đẩy mạnh chương trình nhà ở trong thời gian tới.

Người nghèo vẫn… khó

Trong tổng số 404 dự án nhà ở được phê duyệt, TP đã giao khoảng 1.645 ha đất cho 226 dự án, trong đó hoàn thành 143 dự án, tương đương 35.169 căn hộ chung cư và 2.112 biệt thự. Phần lớn các căn hộ này tập trung vào phân khúc hạng cao cấp (35,8%) và trung bình (38%). Giá của 2 phân khúc này nói riêng và giá nhà trung bình tại Tp.HCM nói chung vẫn còn cao: Cuối năm 2008, cao gần gấp đôi so với năm 2006, lên hơn 11,2 triệu đồng/m2 và biến động không ngừng. Nguyên nhân chính là tình trạng đầu cơ bất động sản đã đẩy giá nhà lên rất cao so với thực tế nên chủ yếu chỉ là mua đi bán lại lấy lời, chưa đáp ứng mục đích phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống xã hội. Từ năm 2009, giá nhà giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao hơn "tầm với" của người thu nhập thấp: 85,8 triệu đồng/m2 cho phân khúc hạng sang, 19,3 triệu đồng/m2 cho phân khúc hạng trung bình và phân khúc nhà thu nhập thấp cũng đến 14,1 triệu đồng/m2.

Hiện các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở giá trung bình, diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực sự.

(Theo NLĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 17/06/2011
  • 17