• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: "Số dự án “treo”, quy hoạch “treo” còn nhiều hơn"

Tp.HCM: "Số dự án “treo”, quy hoạch “treo” còn nhiều hơn" | ảnh 1
Con đường lầy lội trong khu quy hoạch 47ha tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, Tp.HCM

Thực tế cho thấy những người dân sống trong vùng quy hoạch “treo” hay dự án “treo” rơi vào tình cảnh đi - ở đều không xong. Mọi quyền lợi về nhà cửa, đất đai đều bị “treo”, cuộc sống trở nên tạm bợ, không thể an cư lạc nghiệp.

Phân nửa xã bị “treo”

Chủ tịch UBND xã Hưng Long (H.Bình Chánh, Tp.HCM) Nguyễn Hiền Đức cho biết diện tích tự nhiên của xã là 1.294ha đất. Nhưng ở đây có một dự án dân cư kéo dài hàng chục năm nay chưa thực hiện và một quy hoạch thuộc dạng lâu năm không thấy triển khai. Tính ra cả hai quy hoạch này có diện tích được khoanh chiếm gần một nửa diện tích tự nhiên của xã.

Dự án khu dân cư 47,3ha ở xã Hưng Long được nhà đầu tư thỏa thuận đền bù khoảng 15 năm nay nhưng mới được một nửa diện tích, gần đây không còn thấy đả động gì đến nữa. Dân bán đất cho người khác thì không ai dám mua, bán cho chủ đầu tư cũng không xong, cứ nhì nhằng mãi. Nhiều khoảnh ruộng, vườn cây trái trước đây tươi tốt nay dần hoang hóa.

Xã còn có một quy hoạch khác hoành tráng - “làng đại học” 600ha - cũng chưa biết bao giờ triển khai. Kỳ tiếp xúc cử tri nào người dân cũng thắc mắc, chất vấn nhưng câu trả lời chỉ dừng lại ở mức độ “ghi nhận ý kiến”.

Vợ chồng ông Võ Văn Cử và bà Dương Thị Út ở ấp 6 có đất nằm trong dự án quy hoạch 47,3ha. Ông Cử nhớ lại: “Hồi mới nghe có quy hoạch, có dự án ai cũng mừng như mở cờ trong bụng, tưởng sắp được đổi đời. Ai dè mấy ổng quy hoạch mà không làm, chờ hoài mà không thấy dự án nhúc nhích”. Bà Út thở dài tiếp lời chồng: “Nhà tui lúc trước có vườn mãng cầu cả ngàn cây. Kinh tế cả nhà đều trông vô vườn mãng cầu đó. Tới chừng nghe có dự án, tưởng là sắp giao đất nên tui bỏ phế. Giờ vườn bỏ hoang”.

Trả lời về quy hoạch làng đại học, UBND H.Bình Chánh cho biết khu đô thị đại học trước đây có quy mô 508ha. Nhưng Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam TP kiến nghị nâng lên 600ha và giao Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư. Đến giữa tháng 7-2012, UBND TP vẫn chưa chấp thuận giao cho nhà đầu tư này. Theo UBND H.Bình Chánh, vì pháp lý của quy hoạch chỉ dừng ở mức như thế, huyện vẫn giải quyết hồ sơ xin tách hoặc hợp thửa đất cũng như giấy tờ đất đai. Tuy nhiên, người dân nói rằng quy hoạch chưa biết bao giờ triển khai, xây cất nhà cửa bị hạn chế, buôn bán không ai dám mua và không ai dám đầu tư làm ăn.

Thu hồi đất nhưng vẫn “treo” quy hoạch

Sau hơn hai năm rưỡi kể từ ngày UBND Tp.HCM có văn bản thu hồi quyết định tạm giao đất cho chủ đầu tư tại dự án Bình Quới - Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh), người dân nơi đây vẫn chưa được vui. Nguyên nhân: đến thời điểm hiện tại, dự án Bình Quới - Thanh Đa vẫn “treo”, chờ chọn được chủ đầu tư khác. Đi kèm theo đó là những quyền của người dân về đất đai bị hạn chế, mặc dù trong văn bản của UBND TP khẳng định: “Người sử dụng đất trong khu vực được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật đất đai”.

Ông Trương Xuân Được - chủ tịch UBND P.28 - cho biết: “Kể từ sau khi có văn bản thu hồi đất của UBND TP, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cho khu vực này cũng được quan tâm nhiều hơn. Dân bớt khổ mỗi khi triều cường, mưa bão”. Ông Được cũng thừa nhận việc người dân còn chưa được khôi phục đầy đủ các quyền về đất đai khiến bà con còn nhiều tâm tư. “Người dân có nhà, đất nằm trong quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có quyền sửa chữa nhà nhưng phải làm đơn xin phép và cam kết tự tháo dỡ, không bồi thường khi triển khai dự án. Đất tạo lập sau khi có quyết định giao đất của TP không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở...” - ông Được nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Xanh, bí thư chi bộ khu phố 2, kể: “Tôi có miếng đất, cất nhà ở từ năm 2000. Đến năm 2004, TP có quyết định giao đất cho chủ đầu tư dự án Bình Quới - Thanh Đa. Vậy mà bây giờ đi xin sổ đỏ thì cán bộ nói đất nhà tôi chỉ có thể được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp chứ không được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Nhà tôi nhỏ xíu mà hiện có tới ba hộ ở chung. Quy định không cho chuyển mục đích sử dụng thành đất ở khiến nhiều gia đình dù có con cái rất đông không thể cho con đất để cất nhà, tách hộ”.

8 năm chưa xong một dự án

Trời đã chạng vạng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn) - khu vực thuộc dự án “treo” khu đô thị An Phú Hưng - còn đang kéo lá dừa lợp cái chòi trước nhà. Căn nhà chính của hai vợ chồng tiếng là nhà xây nhưng che bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, còn lưu lại dấu tích những lần sửa chữa. Bà Bé kể do Nhà nước không cho xây nhà mới, chỉ cho sửa chữa nhỏ, chắp vá tạm bợ bằng lá nên cứ hai năm là mái lá hư, phải lợp lại một phần. Cách đây mấy năm, chính quyền kiểm kê đất đai, đếm cây, đo nhà nhưng đến nay chưa thấy triển khai bồi thường cho dân.

Gia đình bà Bé chỉ là một trong hơn 960 hộ dân của xã Tân Thới Nhì bị ảnh hưởng của dự án khu công nghiệp và khu dân cư An Phú rộng hơn 660ha đất tại xã Tân Thới Nhì và xã Tân Hiệp (H.Hóc Môn). Dự án này do Tổng công ty An Phú làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án được chuyển cho Công ty cổ phần An Phú làm chủ đầu tư, đổi tên dự án thành khu đô thị An Phú Hưng, nhưng việc triển khai dự án vẫn chưa tới đâu. Theo UBND xã Tân Thới Nhì, sau hơn tám năm triển khai dự án, chủ đầu tư mới tạm ứng tiền bồi thường và mua đất của bảy hộ dân với số tiền hơn 10 tỉ đồng.UBND xã đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với dự án chậm triển khai đã làm ảnh hưởng đến các quyền của người dân nhưng vẫn chưa có trả lời.

Sở Tài nguyên - môi trường cho biết đã hai lần trình UBND TP xóa “treo” dự án. Còn đại diện Công ty cổ phần An Phú, ông Nguyễn Tiến Giang - giám đốc kinh doanh và tiếp thị - cho biết đầu năm 2013 công ty sẽ tiến hành bồi thường cho người dân.

Nhiều khu công nghiệp không triển khai

Tp.HCM quy hoạch hàng nghìn hecta đất cho các khu công nghiệp (KCN). Nhưng không phải quy hoạch hay dự án nào cũng khả thi. Một trong những quy hoạch KCN nằm trong diện mà Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP đề xuất xóa khỏi quy hoạch các KCN là khu Phong Phú gần 150ha (thuộc H.Bình Chánh và Q.8). Đến nay đã mười năm trôi qua nhưng KCN này chưa có đất cho thuê, hạ tầng cũng chẳng thấy. Dù báo cáo đã đền bù được khoảng 80% diện tích đất, nhưng chủ đầu tư nhìn nhận tính khả thi của dự án KCN này là thấp. Chủ đầu tư lại muốn chuyển quy hoạch KCN này thành khu đô thị.

KCN Bàu Đưng (H.Củ Chi) đang nằm trong diện đề xuất cơ quan chức năng xem xét xóa khỏi quy hoạch các KCN TP. Theo thông tin của huyện Củ Chi, quy hoạch KCN này có diện tích hơn 170ha (chưa kể 50ha đất quy hoạch tái định cư từ năm 2008), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng. Nhưng đến nay ở đây quy hoạch cũng chỉ là quy hoạch. Hiện chủ đầu tư đã thối lui với lý do kinh tế khó khăn, chưa có chủ đầu tư mới.

(Theo Tuổi trẻ)

  • 176
  • By Admin
  • 15/09/2012
  • 17