Tp.HCM: Sinh viên bị ép giá nhà trọ
Việc tăng giá không chỉ khiến người lao động lao đao, mà sinh viên ngoại tỉnh trọ học cũng cảm thấy mệt mỏi với bài toán chi tiêu mỗi ngày.Tăng chóng mặt
Vòng qua những khu nhà trọ ở các quận như Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 3 chúng tôi được biết gần 1 tháng nay tiền thuê nhà, tiền điện nước đã tăng một cách chóng mặt. Lợi dụng thời điểm các sĩ tử về Tp.HCM ôn thi, chủ nhà trọ thi nhau tăng giá, tháng trước một giá, tháng sau một giá khiến nhiều sinh viên trở tay không kịp.Ở các khu vực tập trung nhiều trường CĐ, ĐH, các lò luyện thi như tuyến đường Ung Văn Khiêm, D2, Quang Trung, An Dương Vương, Nguyễn Xí… giá thuê phòng được chủ trọ đua nhau “thổi” lên liên tục. Hiện, tại các khu vực này giá thuê 1 phòng được coi là sang vào khoảng 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng. Các phòng kém hơn thường có giá 1,3 - 1,7 triệu đồng tùy phòng to, nhỏ, loại phòng “bèo” nhất cũng 900.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Lý giải về việc tăng nhà trọ đột ngột, bà Nga - một chủ trọ ở đường Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh, cho biết: “Bây giờ giá cả cái gì cũng tăng, tăng giá thuê phòng là chuyện bình thường. Họ tăng mình không tăng thì mình thiệt, không tăng không đủ bù chi”. Vả lại ở đây đã thành thông lệ rồi, phòng nào cứ có người chuyển đi là chủ nhà tăng giá thêm 100.000 đồng.
Việt Hưng, sinh viên Trường CĐ Văn hóa - Du lịch, quận Gò Vấp, bức xúc: “Mấy hôm nay tôi rong ruổi khắp các ngõ ngách của Gò Vấp tìm phòng trọ khác xem có rẻ hơn chút nào không, nhưng chỗ nào cũng thế cả, toàn 1,5 - 1,6 triệu đồng…”.
Tận thu mọi thứ
Không những tăng tiền phòng, ở nhiều khu trọ chủ nhà còn đẩy giá điện, nước lên cao. Giá nước thông thường dao động trong khoảng 90.000 - 100.000 đồng/người/tháng. Điện 3.000 - 4.000 đồng/kWh. Có nơi chủ trọ còn áp giá lên tận 5.000 - 6.000 đồng/kWh điện, khiến không ít sinh viên phải méo mặt.Nguyễn Phương Loan, sinh viên ĐH Kinh tế Tp.HCM, cho biết: Đầu năm học, phòng trọ em ở tính 3.000 đồng/kWh điện, tháng 3 chủ nhà lên 4.000 đồng, giờ mới đầu tháng 7 đã lên 5.000 đồng/kWh điện, không biết tới cuối năm lên bao nhiêu nữa. Nước hồi trước lấy có 70.000 đồng/người/tháng giờ lên thành 100.000 đồng/người/tháng. Điện tăng giá nên em hạn chế sử dụng, giảm chơi game giải trí, chỉ bật quạt lúc quá nóng và xài cái nồi cơm điện, thế mà chẳng hiểu đồng hồ điện chạy kiểu gì, tháng nào hai đứa tụi em cũng phải đóng gần 150.000 đồng tiền điện.
Ngoài thường xuyên tăng giá điện, nước, các chủ trọ còn tìm đủ cách để tận thu người ở trọ. Có ông chủ khu trọ gần làng ĐH Thủ Đức từ lúc sửa sang lại phòng trọ đã kéo dây internet, cáp truyền hình tới tận các cửa phòng. Phòng nào có nhu cầu chỉ cần gọi cho ông một tiếng là lập tức có mạng và cáp để coi tivi ngay. Một đầu máy vi tính và ti vi ông thu 100.000 đồng/tháng. Phí “dịch vụ” đắt như vậy nhưng một sinh viên ở trọ than phiền có mỗi gói mạng mà chủ chia năm xẻ bảy nên ban ngày dùng còn ngon lành, chứ tối đến nhiều nhà dùng thì rất chậm.
Nguyễn Thị Vân, sinh viên ĐH Văn Lang, hiện đang ở tại một khu trọ trên đường Phan Văn Trị tỏ ra bức xúc khi mỗi tháng ngoài tiền nhà, tiền điện nước, Vân còn phải nộp thêm cả tiền… điện nhà vệ sinh. “Cả dãy trọ của mình có 9 phòng, dùng chung một nhà tắm và một nhà vệ sinh. Cuối tháng, chủ trọ cứ “bổ” đầu người mà tính. Mỗi phòng chủ trọ lấy 10.000 đồng, nói là chi trả tiền điện, tiền bơm nước cho nhà vệ sinh”.
Cần hỗ trợ sinh viên tìm chỗ trọCứ đến mùa nhập học, bao giờ chuyện chỗ trọ cũng khiến cho các tân sinh viên lẫn phụ huynh phải lo lắng. Bởi lẽ, ký túc xá của các trường luôn trong tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu. Chưa kể, nhiều trường không có ký túc xá. Và, việc tìm chỗ trọ bên ngoài luôn khiến cho các sinh viên mới mất không ít thời gian, công sức lẫn tiền bạc…Bình thường, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên thành phố vẫn hỗ trợ sinh viên trong việc tìm phòng trọ. Tuy nhiên, khi mới chân ướt chân ráo từ quê lên thành phố nhập học, không phải sinh viên nào cũng biết đến địa chỉ này. Do đó, sự hỗ trợ ban đầu chủ yếu từ trường mà họ sẽ theo học. Đáng tiếc, nhiều cán bộ của các trường khi làm thủ tục nhập học cho sinh viên lại lạnh lùng: “Nhà trường không có ký túc xá (hoặc đã hết chỗ), em hãy tự tìm phòng trọ bên ngoài”. Không một câu gợi ý, không một địa chỉ có thể tìm đến để được giúp đỡ. Như vậy, không khó hiểu khi các sinh viên đặt niềm tin vào những số điện thoại của bọn cò phòng trọ được dán nhan nhản trên các bức tường, cột điện để rồi tiền mất mà vẫn chẳng tìm được nơi ở. Vì điều kiện này nọ không xây được ký túc xá thì có thể thông cảm. Tuy nhiên, tại sao các trường không chủ động hơn trong việc hỗ trợ sinh viên của mình tìm chỗ trọ ở buổi đầu nhập học? Chỉ cần phía nhà trường tìm hiểu và liên hệ trước với những chủ cho thuê trọ, như vậy, họ đã có một “nguồn” phòng trọ để giới thiệu cho các sinh viên. Đây là việc không quá khó, danh sách các chủ cho thuê trọ nhà trường có thể nhờ sự hỗ trợ của chính quyền phường, quận. |
(Theo SGGP)
- 0
- By Admin
- 09/09/2011
- 17