Tp.HCM: Sẽ xóa địa hạt trong việc cấp giấy chứng nhận
Đó chính là thông tin do ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKQSDĐ Tp.HCM cung cấp về hướng thành lập VPĐKĐĐ theo quy định tại Nghị định 43/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013.
Người dân có nhiều lựa chọn
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của VPĐKQSDĐ trong thời gian qua?
Ông Phạm Ngọc Liên: Tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận và quản lý đất đai. Đây cũng là kênh tổng hợp nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị UBND TP có chính sách tháo gỡ kịp thời.
Nhờ có hệ thống VPĐKQSDĐ, cán bộ chuyên môn cũng làm việc chuyên nghiệp hơn. Những than phiền về thái độ phục vụ của cán bộ cũng giảm.
- Hệ thống VPĐKQSDĐ tại Tp.HCM đã dần đi vào ổn định sau bốn năm thành lập. Vậy việc tổ chức lại thành VPĐKĐĐ có gây xáo trộn trong công tác quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận của các quận, huyện?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP đang xây dựng đề án kiện toàn các VPĐKĐĐ. Theo đó, VPĐKQSDĐ cấp quận, huyện sẽ hợp nhất với văn phòng cấp TP thành hệ thống VPĐKĐĐ một cấp, bao gồm văn phòng trung tâm và các chi nhánh ở 24 quận, huyện.
Ngưới dân đang làm thủ tục đăng ký biến động nhà đất tại VPĐKQSDĐ Tp.HCM. |
Mục tiêu hàng đầu của việc xây dựng đề án này là giải quyết tốt hơn thủ tục cấp giấy cho các cá nhân, tổ chức, không để xảy ra xáo trộn. Trong giai đoạn chuyển đổi, TP sẽ triển khai các văn bản để các địa phương đều có cách hiểu thống nhất. Không để xảy ra tình trạng nơi làm theo kiểu mới, nơi vẫn làm theo cách cũ.
Một điểm mới đáng chú ý là với đối tượng cấp giấy biến động (các trường hợp đã có giấy chứng nhận, nay giao dịch và đăng ký biến động - PV) sẽ không phân biệt tổ chức hay cá nhân nữa. Việc này từ trước đến nay, quận, huyện giải quyết hồ sơ cấp giấy của hộ gia đình, cá nhân còn cấp TP giải quyết hồ sơ của tổ chức. Tới đây, các chi nhánh VPĐKĐĐ sẽ giải quyết cho cả cá nhân lẫn tổ chức. Riêng cấp giấy lần đầu thì vẫn giữ nguyên hai cấp như từ trước đến nay.
Đối với người dân, khi đã có đầy đủ dữ liệu thì có hai lựa chọn đến văn phòng trung tâm hoặc đến các chi nhánh tại quận, huyện để xin cấp giấy chứng nhận.
Cố gắng để dân không đi lại nhiều
- Như vậy, đến cuối năm nay các cá nhân và tổ chức bắt đầu thực hiện theo đề án này?
Trước mắt, để không gây xáo trộn thì các chi nhánh sẽ thực hiện theo cách cũ. Đề án đưa ra ba bước như sau: Bước thứ nhất, giao một số chi nhánh giải quyết luôn hồ sơ của cả tổ chức lẫn cá nhân. Bước hai, sẽ triển khai cho toàn bộ chi nhánh tại 24 quận, huyện. Bước ba, khi kiện toàn tổ chức sẽ tiến tới việc xóa địa hạt khi cấp giấy chứng nhận như đã nói ở trên.
- Người dân vẫn còn than phiền để được cấp giấy chứng nhận họ phải chạy quá nhiều cửa, từ VPĐKQSDĐ đến cơ quan thuế, tài chính… VPĐKĐĐ ra đời liệu có giải quyết được vấn đề này không, thưa ông?
Hiện nay việc liên thông mới chỉ thực hiện trong ngành Tài nguyên và Môi trường, chưa liên thông được với các cơ quan thuế, tài chính. Tuy nhiên, cũng thông tin thêm là Thông tư liên tịch số 30/2005 hướng dẫn việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính của liên Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị sửa đổi. Khi hai bộ này ban hành thông tư liên tịch mới thay thế, việc liên thông giữa hai ngành sẽ thuận lợi hơn, giúp phục vụ người dân tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Liên cho biết, Nghị định 43 yêu cầu phải thành lập VPĐKĐĐ trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, trong cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai mới đây (ngày 14/8), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải hoàn thành việc tổ chức lại VPĐKĐĐ một cấp sớm hơn quy định một năm, tức trước ngày 31/12/2014. |
- 121
- By Admin
- 20/09/2014
- 17