Tp.HCM: Sẽ thí điểm thu phí hạ tầng kỹ thuật đô thị
Đánh phí vào khoản lợi nhuận tăng thêm nhờ hạ tầng
Theo đó, mức phí trên sẽ được thu khi các đối tượng sở hữu bất động sản ở các khu vực này có giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà, đất ở tại đây. Mục đích của khoản phí này là nhằm điều tiết bớt giá trị lợi nhuận tăng thêm do được nhà nước quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng.Đề xuất này đã được UBND TP kiến nghị lên Chính phủ từ cuối năm 2007. Đầu năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý giao cho Tp.HCM xây dựng đề án thí điểm và lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Cơ sở để Tp.HCM đề xuất khoản phí này là do những năm qua TP liên tục đầu tư những khoản kinh phí lớn để xây dựng mới cầu, đường ở các khu đô thị mới; chỉnh trang, mở rộng đường xá ở các khu đô thị cũ… Sau khi nhà đầu tư xây dựng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị xong thì giá trị bất động sản ở khu vực xung quanh các công trình này đều tăng lên nhanh chóng nhờ vào lợi thế hạ tầng.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế TP trong dự án mở rộng đường Vạn Kiếp - Hoàng Hoa Thám thực hiện từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2006 cho thấy: trước khi mở rộng đường (năm 2004), giá đất ven đường trên thị trường chỉ là 22 triệu đồng/m2; sau khi đường hoàn tất (được mở rộng gần 3 lần), giá đất lên đến 47 triệu đồng/m2.
Giá trị gia tăng của đất từ việc mở đường này đều rơi vào tay một số ít người dân may mắn có đất ven đường sau khi mở rộng. Trong khi đó, Nhà nước phải bỏ ra 175,95 tỷ đồng để mở rộng đường.
Đây là khoản lợi nhuận tăng thêm đến từ các cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư mà chỉ một số người dân được hưởng lợi. Do đó, Tp.HCM đề xuất thí điểm thu phí hạ tầng kỹ thuật để điều tiết bớt khoản giá trị lợi nhuận tăng thêm trên. Đồng thời, khoản thu trên cũng sẽ góp phần tăng thêm nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP.
Một biện pháp công bằng
Trước đây, Tp.HCM cũng từng áp dụng thí điểm phương án giải tỏa thêm một phần diện tích 2 bên đường khi xây dựng đường mới hay mở rộng đường cũ (phương án này do Viện Kinh tế TP đề xuất, gọi là mô hình Biên chỉnh trang).Phần diện tích giải tỏa thêm trên sẽ trở thành mặt tiền của con đường mới, là quỹ đất dự trữ được dùng để bán đấu giá hoặc cho thuê, tạo ra nguồn kinh phí để tái đầu tư công trình khác, hoặc dùng để tái định cư tại chỗ những hộ dân bị di dời, giải tỏa trắng.
Mô hình này đã được áp dụng từ năm 1997, khi TP triển khai dự án xây dựng đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhưng nó đã thất bại vì việc giải tỏa được thực hiện 2 lần. Lần đầu chỉ giải tỏa phần đất để làm đường thì đã thành công. Lần 2 giải tỏa diện tích ven đường để áp dụng mô hình Biên chỉnh trang thì không được, vì lúc này giá đất ven đường đã lên quá cao.
Rút kinh nghiệm, dự án thứ 2 áp dụng mô hình này là dự án đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè), TP áp dụng giải tỏa cả phần diện tích làm đường (33ha) và diện tích ven đường (87,5ha) làm quỹ đất dự trữ ngay từ đầu nên đã thành công, chỉ bán đấu giá hơn 50% quỹ đất dự trữ trên TP đã thu hồi đủ vốn để làm đường.
Biện pháp này khá ổn để cân bằng lợi ích và thu hồi vốn đầu tư hạ tầng cho TP. Tuy nhiên, không phải bất cứ công trình nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Do đó, biện pháp thu phí hạ tầng kỹ thuật đô thị được cho là công bằng hơn vì có thể áp dụng tại mọi công trình.
(Theo dantri)
- 0
- By Admin
- 19/05/2011
- 17