Tp.HCM: Sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc thu hồi dự án treo
Tại buổi giám sát của thường trực HĐND TP ngày 8-6 về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP, ông Từ Minh Thiện, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tp.HCM, đặt vấn đề như trên.
Nhiều nơi thoát “treo”
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết toàn TP có 130 dự án treo sẽ bị thu hồi và 41 dự án đang được xem xét để xử lý dứt điểm trong tháng 6. Đáng chú ý, tất cả 77 dự án treo đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được thu hồi hết trong đợt này. Trong số đó, riêng tại khu Nam Sài Gòn có tới 20 dự án bị “trảm”, tập trung ở các xã Bình Hưng, An Phú Tây và Phong Phú (huyện Bình Chánh).
Dịp này, TP cũng hủy bỏ quyết định thu hồi, giao đất của 35 dự án tại các quận, huyện: 2, 5, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức. Trong tháng 6, TP tiếp tục xem xét hủy bỏ tám dự án do Sở TN&MT và Ban Quản lý Khu đô thị mới Nam Sài Gòn đề xuất. Do những dự án này đã quyết định thu hồi, giao đất nên bấy lâu nay quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề (như không được cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng, cầm cố…).
Nhiều năm nay, gia đình bà Lâm Thị Mùi tại đường số 6, khu phố 1, phường 6, quận 8 phải sống trong căn nhà tôn nóng hầm hập vì không được phép sửa chữa (ảnh). Vì thế, cả nhà rất vui khi hay tin dự án treo nhiều năm tại đây (dự án nhà ở của Công ty Song Ngọc) bị thu hồi. “Bấy lâu nay cả gia đình trông chờ dự án thực hiện để nhận tiền bồi thường rồi đi nơi khác ổn định cuộc sống nhưng chờ hoài chẳng thấy đâu. Giờ tôi mong sớm được làm giấy tờ cho khu đất và sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống” - bà Mùi bày tỏ. Ảnh: TH |
Quản lý chặt nguồn lực đất đai
Theo ông Từ Minh Thiện, việc thu hồi cùng lúc nhiều dự án treo cũng cho thấy công tác quản lý trước đây có phần lỏng lẻo. “Nhiều dự án được phê duyệt dễ dãi, cơ quan có thẩm quyền chưa đánh giá đúng năng lực của chủ đầu tư. Vì thế tới đây cần có quy trình và tiêu chí đánh giá năng lực của chủ đầu tư, đồng thời phải quy rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước” - ông Thiện lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp.HCM, nhận định: Làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai mới là cái gốc của vấn đề. Thời gian qua TP đã lãng phí quá nhiều về đất đai, điều đó cản trở sự phát triển của TP và gây bức xúc cho dân. “Phải sớm tháo gỡ các quyền lợi cho người dân sau khi thu hồi dự án. Việc công khai thông tin cũng cần có phương pháp phù hợp, vì lâu nay vẫn còn tình trạng công khai thì có nhưng dân biết lại không nhiều” - bà Tâm chỉ đạo.
Về việc công khai thông tin, ông Tín cho biết TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành; quận, huyện tiếp tục bám sát và xử lý công khai các dự án treo. Các đồ án quy hoạch sắp tới phải đảm bảo chất lượng.
Tháo gỡ quyền lợi của người dân
Về giải quyết quyền lợi người dân thông qua việc cấp phép xây dựng tạm, ông Tín cho biết: TP còn nhiều khu đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư không phù hợp quy hoạch là đất ở. Theo quy định pháp luật thì không thể cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng cho người dân. Các trường hợp thuộc phạm vi quy hoạch mở rộng lộ giới, hẻm giới thì không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng, kể cả cấp phép tạm.
“Tuy nhiên, với người dân đã có nhà tồn tại trước quy hoạch thì việc được cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng là lợi ích chính đáng. Do đó, TP đã kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận cấp phép xây dựng tạm cho người dân. Riêng với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng sang đất xây dựng thì đã được Bộ Xây dựng đồng thuận về mặt chủ trương nhưng chưa có văn bản chỉ đạo chính thức” - ông Tín thông tin.
Tại buổi giám sát, TP cũng xin ý kiến thường trực HĐND về việc cấp giấy phép xây dựng tạm với trường hợp nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư mà người dân đã ở ổn định trước ngày 1-7-2006, như Pháp Luật Tp.HCM đã nhiều lần thông tin.
- 161
- By Admin
- 10/06/2013
- 17