Tp.HCM: Sắp khởi công đoạn trên cao tuyến metro số 1
Vì sao cao trước, ngầm sau?
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm. Theo kế hoạch trước đây, cả hai đoạn đi ngầm và đi trên cao sẽ được thi công đồng bộ và hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, các cơ quan chức năng TP và đối tác Nhật nhận thấy khó có thể thực hiện cùng lúc hai đoạn đường này. Tại đoạn đi ngầm 2,6 km còn nhiều vấn đề phải làm kỹ như: Khảo sát địa chất nền đất yếu, chọn phương án đào (hở hay khoan ngầm), cần có kết quả đánh giá tác động của việc đào ảnh hưởng tới các công trình bên trên (nhất là với Nhà hát TP), thời gian chọn lựa nhà thầu thi công…
Vì những lẽ trên, việc thi công đoạn đi ngầm cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Từ đó, TP chọn giải pháp làm đoạn đường trên cao và đưa vào khai thác trước. Theo thiết kế ban đầu, ga đầu (Bến Thành) và ga cuối (depot Long Bình) sẽ là nơi bẻ ghi để các đoàn tàu metro đổi chiều chạy về hướng ngược lại. Do thay đổi phương án thi công (làm đoạn đi cao trước) nên khu vực nhà ga Văn Thánh sẽ tạm trở thành ga bẻ ghi quay chiều chạy cho các đoàn tàu.
Mô hình đoàn tàu metro số 1. |
Theo ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, giá trị xây lắp của đoạn tuyến này khoảng 45 tỉ yen Nhật (gần bằng 11.700 tỉ đồng). Đoạn đường trên cao sẽ bắt đầu vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh để đi theo bờ phía bắc của rạch Văn Thánh, rồi đi sát Công viên Văn Thánh, vượt trên cao qua đường Điện Biên Phủ, vượt sông Sài Gòn tại khu vực nhà hàng Tân Cảng (cách 40 m về phía thượng lưu cầu Sài Gòn hiện hữu). Sau đó, tuyến đường theo hành lang phía bắc xa lộ Hà Nội vượt sông Rạch Chiếc (về phía thượng lưu cầu Rạch Chiếc hiện đang xây dựng), đến khoảng trước Khu du lịch Suối Tiên thì vượt sang xa lộ Hà Nội để đi vào ga số 14 (ga Bến xe Suối Tiên), sau đó rẽ phải vào depot Long Bình. Depot mặt đất Long Bình là nơi để tàu điện ngầm đậu nghỉ, bảo dưỡng, duy tu với tổng diện tích hơn 20.000 m2 và đã được khởi công xây dựng từ 21-2-2008.
Giữa tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đã ký kết hợp đồng gói thầu xây dựng đoạn trên cao và depot của tuyến metro số 1 với liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 (Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 6).
Theo các quận Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức…, đến nay đất dọc tuyến dành cho công trình, nhất là các đoạn chạy theo xa lộ Hà Nội đã được giải tỏa theo đúng lộ giới quy hoạch. Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín, đất sạch đã có nhưng tới tháng 9 các quận phải bàn giao xong mặt bằng cho nhà thầu để tiến hành khởi công dự án theo kế hoạch nêu trên.
Không gây ùn tắc đường bên dưới
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, toàn tuyến đi cao cách mặt đất khoảng 4,75 m. Dọc tuyến sẽ là những trụ vươn lên xòe đều ra hai bên để đỡ lấy dàn dầm làm nền cho hai chiều đường ray khổ 1,435 m. Tại các khu vực không có đường bộ cắt ngang hệ dầm đỡ trên sẽ được đúc liên tục trên dàn đà giáo. Tại các khu vực có đường bộ chui ngang dưới đường metro, đơn vị thi công sẽ phải đúc trụ trước rồi đưa các khối dầm đúc sẵn ở nơi khác đến lao phóng lên bệ trụ sau. Cách làm này cho phép có thể triển khai đúc, lao phóng liên tục, nhanh chóng hệ đà dầm đỡ mặt đường metro và không gây ảnh hưởng đến giao thông của các tuyến đường bộ chui bên dưới. “Đây là những phương pháp đã được các nhà thầu Nhật và đơn vị liên danh phía Việt Nam áp dụng thành công ở nút giao Cát Lái, Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1A… Hy vọng từ những kinh nghiệm đó, họ sẽ hoàn thành phần đường trên cao của tuyến metro số 1 trong thời gian sớm hơn dự kiến!” - ông Quốc nói.
Dọc theo tuyến sẽ xây dựng 11 nhà ga trên cao, mỗi ga cách nhau từ 1.100 đến 1.500 m. Cùng lúc, nhà thầu sẽ phải làm khoảng 11 cầu đi bộ băng ngang xa lộ Hà Nội để kết nối, đưa khách tiếp cận các nhà ga này. Để làm các cầu đi bộ này, liên danh nhà thầu thi công cũng sẽ chọn phương án đúc trụ trên các dải phân cách trước rồi lao phóng dầm đúc sẵn sau để không gây ảnh hưởng đến lưu thông trên xa lộ Hà Nội.
(Theo PLTP)
- 0
- By Admin
- 09/07/2012
- 17