Tp.HCM: Rối với văn bản luật đất đai
Đây là động thái nhằm chấn chỉnh công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được cho là có nhiều bất cập, chậm so với thực tế và gây khó khăn cho người dân khi thực hiện…
Ban hành văn bản theo kiểu tình thế
Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Nghị định 69) có hiệu lực hơn 2 năm nay nhưng không thể thực hiện được vì vướng các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, để thực hiện việc thu tiền sử dụng đất của phần diện tích vượt hạn mức sử dụng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình và cá nhân theo quy định của Nghị định 69 thì phải có quyết định của UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất sát với thị trường.
Cán bộ Sở Tư pháp Tp.HCM hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật cho người dân. Ảnh: HOÀI NAM |
Thế nhưng, UBND TP lại không thể ban hành quyết định này vì chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ ngành. Chờ trong suốt hơn 2 năm vẫn không thấy thông tư hướng dẫn và để giải quyết hơn 3.000 hồ sơ nhà đất bị ách tắc, UBND TP đã “xé rào” bằng việc ban hành Quyết định 64/2011/QĐUB ngày 15/10/2011 quy định hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân (Quyết định 64). Quyết định này theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP cũng chỉ giải quyết được một phần nội dung của các trường hợp trong hạn mức, phần lớn hồ sơ đất ngoài hạn mức đều phải chờ một quyết định khác. Theo bà Bích Vân, Phó phòng Thuế nhà đất Sở Tài chính TP, Quyết định 64 chỉ mang tính tình thế, hiện đã không còn phù hợp và UBND TP sẽ phải sớm ban hành một quyết định khác để thay thế cho Quyết định 64.
Tương tự, để thực hiện các nghị định của Chính phủ về thực hiện Luật Đất đai, UBND TP đã ban hành Quyết định 54/2007/QĐUB ngày 30/3/2007 quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà, đất (Quyết định 54) và Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 25/2/2009 của UBND TP quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa (Quyết định 19).
Các quyết định này thực hiện được một thời gian ngắn đã gây khó khăn cho người dân khi đi làm thủ tục nhà đất. Trong đó có nhiều quy định về xác minh nguồn gốc đất, về quy hoạch, quy trình, thời gian xét duyệt hồ sơ… rất khó thực hiện. Hiện Quyết định 54 đã được UBND TP hủy bỏ, song Quyết định 19 thì vẫn giữ nguyên vì chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ ngành về quy hoạch và quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn.
Chậm và thiếu thẩm định trước khi ban hành
Đó là nhận định của Sở Tư pháp TP về công tác thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật những năm qua. Cụ thể, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được HĐND, UBND TP đề ra trong năm 2011 là 140 văn bản. Song đến nay mới thực hiện được 41 văn bản (đạt tỷ lệ 18%). Số văn bản được thẩm định trước khi ban hành so với nhiều năm trước tuy đã có khá hơn, song cũng chỉ đạt được hơn 70% (các năm trước là hơn 50%).
Tại các quận huyện hiện có 1.143 văn bản còn hiệu lực; 610 văn bản hết hiệu lực đang kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế; 249 văn bản cần được bãi bỏ ngay và 24 văn bản kiến nghị ban hành mới. (Nguồn: Sở Tư pháp Tp.HCM) |
Đối với cấp quận huyện, tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành so với chương trình đề ra của HĐND và UBND cũng chỉ đạt được hơn 10%. Các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, tư pháp, hộ tịch…, một số văn bản quy phạm pháp luật được TP ban hành nhưng phải mất đến cả năm trời HĐND và UBND quận huyện mới ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Tình trạng văn bản được ban hành trước, thẩm định sau hoặc không được thẩm định, báo cáo cho cấp có thẩm quyền xem xét trước khi ban hành cũng xảy ra khá phổ biến tại nhiều quận huyện thời gian qua.
Đáng chú ý là hiện nay chỉ có 70% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND quận huyện ban hành được đăng Công báo của TP và công khai tại các cơ quan hành chính để người dân biết và thực hiện. Việc tự kiểm tra sau khi văn bản được ban hành tại các quận huyện cũng có nhiều bất cập và chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong đó, chỉ tính riêng 213 văn bản của các quận huyện gửi cho Sở Tư pháp kiểm tra trong năm 2011 đã phát hiện có 24 văn bản có nội dung và hình thức trái pháp luật.
Từ thực tế trên cho thấy, đã có một lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND các cấp ban hành có nội dung, thể thức không phù hợp quy định của pháp luật và không gắn với điều kiện thực tế, làm cản trở tiến trình cải cách thủ tục hành chính và gây khó khăn cho người dân khi thực hiện. Đây là vấn đề lớn cần sớm được chấn chỉnh, để công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới đi vào nền nếp.
(Theo SGGP)
- 142
- By Admin
- 26/04/2012
- 17