Tp.HCM: Quy hoạch cần có tầm nhìn dài hơn
Để giải quyết những mặt trái này, công tác quy hoạch Tp.HCM phải đồng bộ, có tầm nhìn và có mối liên kết vùng…Đối mặt với thách thức
Hiện nay, công tác lập, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của Tp.HCM đã được 65 nghìn ha, phủ kín gần 90% diện tích TP. Hàng loạt các giải pháp đồng bộ trong việc hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch, xây dựng những quy chế quản lý xây dựng dọc các trục giao thông lớn… đã và đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Toàn - Phó giám đốc Sở QH-KT Tp.HCM thì công tác quy hoạch xây dựng hiện nay vẫn chưa giải quyết được bài toán cân bằng ổn định, phát triển đô thị bền vững. Để giấc mơ thành hiện thực thì việc hoạch định một chiến lược quy hoạch rõ ràng và kiên trì cần phải có nỗ lực lớn từ phía TP, bao gồm chính quyền, các nhà chuyên môn, cộng đồng người dân, trong đó có các nhà đầu tư.Theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà chuyên môn, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phân hóa về mặt xã hội tăng, tạo khoảng cách giữa các khu vực trong đô thị. Việc khu vực trung tâm có nhiều chức năng khiến cho hệ thống giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng lâm vào tình thế nghiêm trọng là một lỗ hổng chính trong cấu trúc đô thị.
Quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát, cơ cấu hạ tầng kết nối còn thiếu, không đảm bảo tiện nghi cho một đô thị trong giai đoạn CNH, HĐH. Cơ sở hạ tầng chưa được cung cấp đầy đủ. Đặc biệt công tác lập, duyệt, triển khai và quản lý quy hoạch hiện nay chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng đối với mục tiêu phát triển bền vững. KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đặt vấn đề: “Chúng ta đang trong quá trình CNH, HĐH nhưng cũng đang đối mặt với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Vì vậy Tp.HCM phải có chiến lược cụ thể để đối phó. Khu vực Cần Giờ là một trong những khu được UNESCO công nhận là vùng sinh quyển của thế giới, vì vậy công tác quy hoạch phải đảm bảo gìn giữ hệ thống sông ngòi chằng chịt ấy”.
Tp.HCM có 60% diện tích có độ cao thấp hơn mực nước biển, việc thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi tầm cao và chiều sâu của tư duy, lý luận và thực tiễn, vì vậy, theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Chúng ta đang quản lý đô thị theo hành chính, hình thức này không còn phù hợp với thực tế nữa”.
Để giấc mơ thành hiện thực
Theo KTS Trần Ngọc Chính, trong thời kỳ hội nhập, người làm quy hoạch phải tính đến quá trình toàn cầu hóa. Hiện nay các cơ quan chức năng chỉ mới đề cập tới phát triển Tp.HCM xứng tầm quốc gia trong khi chúng ta đã gia nhập WTO cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác. Vì vậy Tp.HCM phải quy hoạch đồng bộ trên diện rộng và tính toán theo hướng toàn cầu hóa như cần có một sân bay quốc tế lớn hơn và những tuyến đường phù hợp với xu hướng phát triển. Tp.HCM cần tự xây dựng cho mình chiến lược phát triển gắn kết cùng với phát triển Vùng Tp.HCM và mang tính quốc tế, đặc biệt là Đông Nam Á.Qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng Tp.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (1/2010), các chuyên gia xác định nguyên tắc “phát triển bền vững” phải giữ vai trò nhất định trong toàn bộ quan điểm phát triển đô thị, sẽ cụ thể trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Quy hoạch là một vấn đề rất lớn, liên quan và ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội. KTS Nguyễn Tấn Vạn khẳng định: Với Tp.HCM không thể tách rời mà phải đặt trong vận động của vùng, cần phải xác định chuyện gì sẽ xảy ra với Tp.HCM trong vòng 20 - 30 năm nữa, đặc biệt với biến đổi khí hậu. Cần chuẩn bị vùng đất cao khi TP ngập lụt. Đến giai đoạn này, chúng ta không nên ngần ngại nói tới vấn đề này nữa bởi chúng ta không thể né tránh nó.
Để phát triển Tp.HCM trong tương lai thì làm quy hoạch cần có tầm nhìn dài hơn, khoảng 50 - 70 năm. Theo KTS Thái Ngọc Hùng, với khoảng thời gian 20 - 30 năm, chúng ta chưa kịp làm gì vì những công tác liên quan tới quy hoạch mất rất nhiều thời gian. Không gian dưới mặt đất đô thị cũng cần được nghiên cứu chuyên sâu để khai thác và đáp ứng những nhu cầu cần thiết như giao thông, cây xanh… Lâu nay chúng ta mới chỉ nói và làm manh mún vấn đề này…
Việc hoàn thiện nâng cao chất lượng quản lý công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch đang được các cơ quan chức năng của TP chú trọng. Theo ông Hồ Quang Toàn, để nâng cao chất lượng đô thị thì mọi hoạt động liên quan tới quy hoạch đều được công khai, các khâu đều được nghiên cứu toàn diện và cải tiến. Có như vậy thì Tp.HCM mới nhanh chóng trở thành một hạt nhân kinh tế trọng điểm trong hệ thống đô thị Việt Nam và thế giới.'
(Theo xaydung)
- 0
- By Admin
- 05/05/2011
- 17