Tp.HCM: Những dự án BĐS đang "thức dậy"
Hồi sinh nhờ tiền mới
Khởi công từ đầu năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2012, song dự án căn hộ Âu Cơ Tower (quận Tân Phú, Tp.HCM) do CTCP Đầu tư và Xây dựng công trình 557 làm chủ đầu tư đã bị ngưng trệ trong thời gian khá dài. Mới đây, dự án này được ngân hàng cam kết tài trợ vốn, chủ đầu tư đã tái xây dựng trở lại và chính thức đưa dự án ra bán. Mức giá chào bán sản phẩm tại Âu Cơ Tower trung bình khoảng 1,1 tỷ đồng/căn, kèm theo chính sách ưu đãi như chiết khấu 7% cho khách hàng; được ngân hàng cho vay lên đến 85% giá trị căn hộ với lãi suất 12%/năm. Theo thông tin từ Công ty BĐS Hưng Thịnh, đơn vị phân phối dự án này, ngay trong buổi mở bán, đã có 50% sản phẩm trong số 147 căn đưa ra được khách hàng đặt mua.Sau một thời gian khá dài “đắp chiếu” vì thị trường khó khăn, mới đây dự án căn hộ Louis IX - Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP. HCM) do Công ty TNHH Long Hưng Phát làm chủ đầu tư cũng đã được khởi động trở lại và bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường. Được biết, Louis IX - Bảy Hiền, trước đây có tên gọi là Luxury Tower do Công ty Thăng Long làm chủ đầu tư, từng có một thời gian dài bất động vì thiếu vốn.
Có thể nói, việc các ngân hàng mở hầu bao cho các doanh nghiệp BĐS được tiếp cận nguồn vốn đã phần nào giúp các dự án hồi sinh trở lại. Ông Lê Tấn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB cho biết, doanh nghiệp ông là chủ đầu tư của 3 dự án căn hộ đang xây dựng dở dang ở TP. HCM, gồm hai dự án ở quận Tân Phú và một dự án ở quận Gò Vấp. Tuy nhiên, trong năm 2011 và đầu năm 2012, diễn biến thị trường BĐS quá khó khăn, cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều không thể tiếp cận được các khoản vay ngân hàng hoặc quá e ngại lãi suất cao nên phải giãn tiến độ thi công.
“Mới đây, chúng tôi được ngân hàng cam kết cho khách hàng vay mua căn hộ với lãi suất 12%/năm. Nhờ nguồn vốn này, chúng tôi bắt đầu khởi động trở lại các dự án đã xây dựng dở dang trước đây”, ông Hòa cho biết.
Ngoài những dự án kể trên, theo ghi nhận của ĐTCK, một số dự án khác đã từng bị ngưng trệ trước đây cũng bắt đầu tái khởi động trở lại như dự án Invesco Pavilon (quận Tân Phú); dự án Ehome 3…
Thị trường căn hộ tầm trung ở Tp.HCM gần đây bắt đầu được khách hàng quan tâm |
Để bán hàng, phải chứng minh năng lực tài chính
Theo ghi nhận của ĐTCK tại nhiều đợt mở bán dự án BĐS, thời gian gần đây, người có nhu cầu về nhà ở đã bắt đầu giao dịch trở lại. Tuy nhiên, khác với trước đây, khi dự án căn hộ chỉ cần xây dựng xong phần móng là có thể bán được hàng, còn hiện nay “đích ngắm” của người tiêu dùng chỉ tập trung vào những dự án căn hộ có mức giá trung bình thấp và đặc biệt là dự án phải hoàn thành cơ bản phần thô, cũng như có tiến độ xây dựng tốt.Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh cho biết, hiện dự án căn hộ đủ điều kiện mở bán (tức xây xong phần móng theo quy định) khá nhiều. Và gần đây, cũng đã có khá nhiều chủ đầu tư đặt vấn đề với Đất Xanh nhờ phân phối dự án, song trong bối cảnh thị trường lúc này, để nhận phân phối một dự án, cần phải sự cân nhắc kỹ lưỡng.
“Nếu như trước đây, khi phân phối một dự án, chúng tôi chỉ cần thẩm định tính pháp lý của dự án là đủ, thì hiện nay còn phải thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư, để xác định chủ đầu tư đó có khả năng hoàn thành dự án theo cam kết với khách hàng hay không”, ông Hưng nói và cho rằng, những khó khăn của thị trường vẫn còn ở phía trước. Nếu lỡ nhận phân phối một dự án mà chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, không có khả năng hoàn thành dự án theo cam kết, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín đơn vị phân phối.
Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, thị trường BĐS đang có khá nhiều sự lựa chọn cho người mua, đồng thời người tiêu dùng khá thận trọng khi ra quyết định. Ngoài vị trí, giá cả, chính sách bán hàng, họ phải tận mắt chứng kiến tiến độ xây dựng của dự án. Vì vậy, những dự án muốn bán được hàng lúc này, các chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính trong việc triển khai dự án.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành: Thị trường bắt đầu có những biểu hiện khả quan hơn, lạm phát được kiềm chế, các ngân hàng cũng đã nới hơn đối với doanh nghiệp BĐS và khách hàng cá nhân, đặc biệt là lãi suất huy động liên tục giảm trong thời gian qua được xem là những yếu tố quan trọng để thị trường BĐS có cơ hội phục hồi. Mặc dù vậy, việc bán hàng của các doanh nghiệp địa ốc lúc này vẫn còn nhiều khó khăn, minh chứng là việc thời gian qua chúng tôi mở bán dự án căn hộ Lê Thành Twin Tower, nhưng người mua vẫn còn tâm lý chờ đợi và đặc biệt là lãi suất cho khách hàng mua nhà vẫn còn khá cao ở mức 17 - 18%/năm nên người mua vẫn còn e ngại. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, vài tháng tới thị trường sẽ tốt hơn. Giá bất động sản hiện đã ở mức khá hợp lý, khó có thể giảm sâu hơn nữa. Lãi suất huy động của các ngân hàng giảm sẽ không còn hấp dẫn người dân gửi tiền và những người có nhu cầu thực về nhà ở sẽ xem xét việc mua nhà. Nếu lãi suất cho vay giảm xuống mức 14%/năm trở xuống, chắc chắn người mua sẽ chấp nhận vay ngân hàng để mua nhà, nên hy vọng vài tháng tới thị trường sẽ tốt hơn. Ông Phạm Ngọc Lâm (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải: Theo nhìn nhận của tôi, thị trường bất động sản thời gian qua khá luẩn quẩn, doanh nghiệp thiếu vốn để triển khai dự án, người mua không dám mua vì thấy dự án chậm tiến độ, từ đó dự án càng không bán được sản phẩm. Dự án càng kéo dài, chi phí càng bị đội lên. Gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu cho doanh nghiệp BĐS vay vốn với lãi suất vừa phải đã giúp doanh nghiệp rất nhiều. Đức Khải vừa qua cũng được BIDV cho vay với lãi suất ưu đãi để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Theo tính toán của tôi, việc được ngân hàng hỗ trợ vốn sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó làm giảm giá thành đầu ra khoảng 4%. Đương nhiên, phần chi phí này sẽ giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm với giá thấp hơn. Doanh nghiệp cũng sẽ bớt khó khăn hơn nhờ giải quyết được đầu ra của sản phẩm. |
(Theo ĐTCK)
- 0
- By Admin
- 10/07/2012
- 17