• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Nhiều dự án giao thông “tắc” vì giá đền bù

Liên tỉnh lộ 25 B là con đường huyết mạch nối hệ thống cảng biển Tp.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang rất cần được nâng cấp. Tuy nhiên, Dự án Nâng cấp đoạn đi qua quận 2 do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM làm chủ đầu tư vẫn phải thi công cầm chừng do chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Vướng mắc lớn nhất ở đây là chênh lệch về giá đền bù (vào khoảng 5-6 lần) giữa hai chủ đầu tư giải phóng mặt bằng (GPMB) là Công ty Quản lý Phát triển nhà quận 2 và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận. Trong khi phần đất giải tỏa của Công ty Quản lý Phát triển nhà quận 2 được thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP (ban hành ngày 13/8/2009) với nhiều điều kiện ưu đãi, thì phương án bồi thường của Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận lại áp dụng theo Nghị định 22/1998/NĐ - CP. “Chênh lệch khá lớn về giá đền bù trong cùng khu vực khiến nhiều hộ dân không đồng ý di dời. UBND quận 2 đã yêu cầu Công ty Nhà Phú Nhuận phải xây dựng thêm khu tái định cư cho người dân để đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Nguyễn Cư, Phó chủ tịch UBND quận 2 cho biết.

Một tuyến đường khác cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trầm trọng tại Tp.HCM là Quốc lộ 13 đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước... Mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này rất cao do nhu cầu cung ứng nguyên vật liệu từ Tp.HCM về các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương và hàng hóa từ tỉnh này đưa về Tp.HCM hoặc xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT) Tp.HCM cho biết, việc mở rộng Quốc lộ 13 sau khi 2 cầu Bình Triệu 1 và 2 được sửa chữa đòi hỏi số vốn đền bù giải tỏa lên đến 5.000 tỷ đồng và Thành phố hiện chưa có ngân sách. Năm 2010, Tp.HCM mới cấp cho 2 quận Bình Thạnh và Thủ Đức mỗi quận 500 triệu đồng chỉ đủ để lập dự án. “Sở GT- VT đã kiến nghị UBND Tp.HCM tách Dự án Cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 thành nhiều tiểu dự án nhằm tìm nhiều nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn ngân sách để lo GPMB”, ông Cường nói.

Tỉnh lộ 10 (đoạn Long An - Tp.HCM) là trục đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp của tỉnh này đến Tp.HCM. Theo kế hoạch ban đầu, Dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 (đoạn từ tỉnh Long An đến vòng xoay Phú Lâm) sẽ xong vào tháng 3/2010. Song, theo ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở GT-VT Tp.HCM) - chủ đầu tư Dự án, đến nay, mới có 7 trên 11 gói thầu triển khai thi công. Tại quận Bình Tân, mới có 19/37 hộ đồng ý di dời, đoạn qua huyện Bình Chánh chỉ có 344/788 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng không vướng nhà, để các nhà thầu thi công phần... cống thoát nước.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Trọng Tuấn cho biết, tháng 8/2009, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường cho Dự án Tỉnh lộ 10, nhưng chưa kịp công bố thì lại có quy định mới (Nghị định 69/2009/NĐ-CP) về bồi thường GPMB, nên huyện phải hủy bỏ và đến nay, phương án bồi thường mới vẫn chưa được phê duyệt.

Dự án Nâng cấp Quốc lộ 50 (có tổng chiều dài 39 km, trong đó đoạn đi qua địa phận Tp.HCM dài 8 km) cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Viễn, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án đoạn qua Tp.HCM và Long An) cho biết, theo dự kiến ban đầu, Dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2010, nhưng hiện thời điểm hoàn thành đã được dời lại vào năm 2012 (tức là chậm 2 năm). “Hiện các gói thầu đoạn qua tỉnh Long An đã thi công được 70% khối lượng, trong khi 5 gói thầu đoạn qua Tp.HCM vẫn chưa triển khai được”, ông Viễn nói.

Theo UBND huyện Bình Chánh, tiến độ thực hiện GPMB cho Dự án Quốc lộ 50 chậm là do chính sách giá của các dự án nhà ở được chủ đầu tư thương lượng với dân cao hơn gấp 4 đến 5 lần so với Dự án Quốc lộ 50. Cụ thể, đơn giá bồi thường đất nông nghiệp ở tỉnh Long An là 850.000 đồng/m2 (đất vườn), trong khi đơn giá bồi thường đất nông nghiệp ở Tp.HCM (vùng giáp ranh với Long An) chỉ là 200.000 đồng đến 250.000 đồng/m2. Theo Ban GPMB huyện Bình Chánh, đến tháng 12/2010, phải cố gắng mới có thể bàn giao được mặt bằng cho 1 đến 2 gói thầu.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Tp.HCM nhận xét,  công tác GPMB cho các dự án ở Tp.HCM bộc lộ một số bất cập như chậm xây dựng phương án đền bù, áp giá đền bù chưa phù hợp..., nên việc thi công chậm.  “Theo tôi, nguyên nhân chính là do vướng ở khâu GPMB, bởi áp giá bồi thường không hợp lý… Từ đầu năm đến nay, UBND Tp.HCM đã giao vốn đầu tư xây dựng trên 23.600 tỷ đồng, vượt hơn 9.000 tỷ đồng so với kế hoạch vốn mà HĐND Thành phố phê duyệt. Như vậy, không thể nói vốn cho công tác xây lắp thiếu được”, ông Hoàng nói.

(Theo Đầu Tư)

  • 0
  • By Admin
  • 24/11/2010
  • 17