• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Nhếch nhác cụm công nghiệp Quang Trung

Hơn 10 năm trôi qua, đến nay CCN này vẫn trong tình trạng không hạ tầng, không đúng quy hoạch, không đường sá dẫn vào, không có hệ thống xử lý nước thải…

Cụm công nghiệp… da beo

 Sau khi có chủ trương, UBND TP giao quận 12 thỏa thuận với kiến trúc sư trưởng TP, Viện Quy hoạch TP để duyệt quy hoạch chi tiết CCN này, trong đó bảo đảm chỉ tiêu lộ giới 14 m (lòng đường 8m, vỉa hè mỗi bên 3 m), bảo đảm hệ thống lưới điện đến tận CCN.  UBND TP giao quận 12 làm chủ đầu tư dự án, lập thiết kế dự toán đường vào CCN với chiều dài 1 km và chỉ định Xí nghiệp Công trình giao thông đô thị và Quản lý nhà quận 12 thi công theo phương thức ứng vốn… Riêng diện tích đất trong CCN, các doanh nghiệp tự thỏa thuận với các hộ dân và lập ban đại diện để tiến hành các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thỏa thuận, nhiều hộ dân không đồng ý giá đền bù nên diện tích đất mua được trong CCN này bị nham nhở kiểu da beo, ước tính chỉ đạt 13/20 ha theo quy hoạch dự kiến, làm ảnh hưởng đến quy hoạch đường sá, hạ tầng…

Tp.HCM: Nhếch nhác cụm công nghiệp Quang Trung | ảnh 1
Cổng cụm công nghiệp Quang Trung được làm hoành tráng nhưng bên dưới không có đường vào, phải đi bằng đường khác

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đã phát sinh mâu thuẫn về các khoản góp tiền mua đất thực tế của từng doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng tranh chấp. Do đó dù đã hơn 10 năm nhưng hiện có khoảng 18 doanh nghiệp vẫn chưa được hợp thức hóa giấy tờ nhà đất và sống trong tình trạng… tiếp tục chờ. Chủ một doanh nghiệp trong CCN này than: “Thời buổi làm ăn khó khăn, nhiều lúc cần thế chấp giấy tờ nhà đất cho ngân hàng để vay vốn nhưng không được. Một số doanh nghiệp quá khó khăn đã tính đến chuyện bán nhà xưởng”.

Những chuyện lạ

Những ai đi ngang đường Nguyễn Ảnh Thủ (phường Hiệp Thành, quận 12) đều ngạc nhiên khi thấy cổng chào to đùng với dòng chữ “Cụm công nghiệp Quang Trung” nằm trong một khu đất trống, cách đó vài mét là con đường nhỏ ngang 4 m, dài 40 m dẫn vào CCN mà theo lời các doanh nghiệp thì con đường này được họ thuê khoảng 15 triệu đồng/năm của chủ đất. Nguyên nhân do khi các doanh nghiệp thỏa thuận mua đất của các hộ dân, họ đã không thỏa thuận mua được phần đất làm con đường chính dẫn vào CCN, nên đến nay CCN này vẫn chưa có đường dẫn vào, phải đi nhờ trên đất của một hộ dân khác.

Càng đi sâu vào trong, trụ sở, nhà xưởng của các công ty chen chúc nhau, nhưng toàn bộ các tuyến đường nội bộ trong CCN này đều không có tên, không được trải nhựa nâng cấp, toàn ổ voi, ổ gà, đất đá lởm chởm. Các đoạn đường này do các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra làm, không theo một quy hoạch nào. Đoạn đường nào tốt nhất cũng chỉ được trải đá nhưng gồ ghề, rất khó đi. Do không được quy hoạch rõ ràng nên có đoạn đường “đầu voi đuôi chuột”, mỗi khi xe tải đi qua, xe máy phải dừng lại. “Toàn bộ hơn chục tuyến đường nội bộ trong CCN quá nhếch nhác nên các doanh nghiệp phải tận dụng cả đường dân sinh (nối từ CCN ra đường Lê Văn Khương) để đi. Xe tải, xe container chạy ầm ầm phá nát con đường!”- một cán bộ UBND quận 12 cho biết.

 Không chỉ thiếu hạ tầng giao thông, CCN này cũng không có công viên cây xanh, đặc biệt là thiếu luôn nhà máy xử lý nước thải tập trung theo quy định. Điều bất ngờ là khi được hỏi “quy trình xử lý nước thải của các doanh nghiệp như thế nào?”, đa số các doanh nghiệp đều cho biết: Đổ thẳng ra đường cho nước tự tiêu. Một số  nhà máy sản xuất nằm gần kênh Trần Quang Cơ – con kênh vốn ô nhiễm trầm trọng, thì xả nước thải thẳng ra kênh. Đáng lo ngại là trong CCN này có đến hai doanh nghiệp chuyên ngành dệt nhuộm cũng cho nước thải đổ trực tiếp ra con kênh đen này.

Những chuyện lạ đời này vốn tồn tại lâu năm trong CCN, thế nhưng chính quyền địa phương không thể xử lý bởi muốn giải quyết dứt điểm phải từ khâu tranh chấp giữa các doanh nghiệp, sau đó phải chấn chỉnh lại quy hoạch, làm lại đường sá… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng “rất khó bởi chính quyền địa phương chẳng muốn khơi lại mớ bòng bong này!”.

Doanh nghiệp kéo nhau ra tòa

Do phát sinh mâu thuẫn về các khoản góp tiền mua đất để làm CCN Quang Trung nên năm 2002, 18 doanh nghiệp hoạt động ở đây phải đưa nhau ra TAND TP để giải quyết. Sau đó TAND TP hủy án sơ thẩm và xử phúc thẩm vào tháng 7-2005 với quyết định “Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 12 điều tra xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm”. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa có hồi kết.

(Theo NLĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 07/07/2011
  • 17