Tp.HCM: Nhà xây sai phép khó phạt cũng chẳng dễ tha!
Không ảnh hưởng ai nên tha
Cao ốc 35B-35C Ba Tháng Hai, quận 10 được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng vào năm 2010 với quy mô tám tầng. Sau đó, chủ đầu tư đã thi công sai giấy phép. Cụ thể, có gần 6 m2 sai phép không ảnh hưởng đến quy hoạch (theo quyết định xử phạt của quận 10), gồm phần diện tích nới rộng bao lơn tại tầng một và tầng năm. Ngoài ra còn có 79 m2 vi phạm quy chuẩn xây dựng gồm bao lơn lầu bảy, sân thượng; nới rộng tầng sáu và bảy.Trong quyết định xử phạt của UBND quận 10, hai phần diện tích trên được cho tạm tồn tại. Trong đó, phần sai phép nhưng không ảnh hưởng đến quy hoạch “sẽ được xem xét khi lập thủ tục nhà đất theo quy định” (có thể hiểu là được công nhận luôn khi chủ công trình thực hiện thủ tục hoàn công). Còn phần vi phạm quy chuẩn được tạm cho tồn tại, phải tháo dỡ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Công trình 35B-35C Ba Tháng Hai xây sai phép được quận 10 tha nhưng Sở Xây dựng “thổi còi”. Ảnh: C.TÚ |
Tuy nhiên, Sở Xây dựng nhận xét việc xử phạt như trên là không phù hợp. Theo các nghị định 180/2007 và 23/2009, công trình xây sai phép sau ngày 1-5-2009 (ngày Nghị định 23 có hiệu lực) phải bị buộc tháo dỡ cho đúng giấy phép được cấp. Sở Xây dựng đề nghị UBND quận 10 thu hồi quyết định trên, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Còn nhiều băn khoăn
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chánh Thanh tra xây dựng quận 10, thừa nhận việc xử phạt công trình trên “có sai sót, bị thổi còi là chính xác”. Tuy nhiên, ông Hưởng cho biết quận 10 đang rất băn khoăn về việc xử phạt công trình xây sai phép.“Theo luật, hễ xây dựng sai phép thì sẽ bị xử phạt và buộc tháo dỡ nhưng thực tế có những trường hợp không khả thi. Chẳng hạn như nối dài thêm bao lơn, làm sao tháo dỡ? Hoặc nhà đập ra để xây mới phát hiện có bức tường 20 cm nên diện tích xây dựng lớn hơn trong giấy phép và chủ quyền nhà nhưng vẫn được nhà kế bên thỏa thuận không tranh chấp. Trường hợp này đâu có vi phạm quy hoạch hay lấn chiếm của ai, không ảnh hưởng gì đến quản lý nhà nước mà cũng buộc tháo dỡ thì quá cứng nhắc và không thể thực hiện được” - ông bày tỏ.
Cũng theo ông Hưởng, thực tế ở quận 10 cho thấy vi phạm chủ yếu hiện nay xây là sai quy chuẩn xây dựng. Theo ông, Nhà nước chỉ nên và chỉ cần quản lý về quy hoạch như tầng cao, khoảng lùi tầng trệt và ranh (lộ giới, ranh lân cận). Còn nếu quá chi ly và can thiệp vào bên trong căn nhà thì rất khó quản lý.
“Chẳng hạn như quy định chừa ô thông thoáng khá nhiều, trong khi nhà phố có diện tích nhỏ nên họ thường chừa ít hơn. Hoặc quy định phải xây lùi ở các tầng bên trên, nếu nhà có hai mặt tiền thì nhìn như ngọn núi nên họ xây nhích ra. Hay quy định hẻm nhỏ hơn 6 m không được làm ban công, trong khi tâm lý người Việt luôn thích có một cái ban công nhỏ để trang trí, che mưa nắng…” - ông nêu ví dụ.
Đại diện Thanh tra xây dựng quận 9 cũng cho rằng rất ít công trình dám lấn ranh hay lố tầng mà chủ yếu là sai về quy chuẩn, dẫn đến sai diện tích như xây phòng trên ban công, sai diện tích ô thông thoáng… “Chỉ những vi phạm làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì quận mới phạt, không cứng nhắc hễ sai là xử” - vị này nói.
Theo ông Lâm Quang Thơ, Chánh Thanh tra xây dựng quận Tân Phú, Thanh tra xây dựng quận và phường cần siết chặt khâu kiểm tra để tránh xảy ra tình trạng người dân bị phạt vì xây sai phép, dẫn tới nhiều hệ lụy. “Một công trình sẽ được Thanh tra xây dựng kiểm tra rất kỹ, nhiều lần từ khâu đổ móng cho tới khi lên từng tấm. Chúng tôi phải giải thích rõ ngay từ đầu với chủ đầu tư là sẽ kiểm tra nhiều lần để bảo đảm công trình không bị vi phạm xây dựng” - ông chia sẻ.
Càng chi ly, càng khó quảnVề vấn đề này, ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, không ít lần chia sẻ: Chỉ nên quản lý nhà nước bằng các tiêu chí hơn là đi sâu vào những chi tiết vì sẽ gây khó cho nhau. KTS Nguyễn Văn Tất cũng góp ý: “Quy chuẩn và quy chế quản lý kiến trúc được đặt ra mà cụ thể đến mức quy định cả chiều cao từng tầng, khoảng lùi, ban công được trổ như thế nào, thậm chí bắt buộc cả màu sắc là trói tay những ý tưởng sáng tạo để tạo hồn cho đô thị. Những quy định này chỉ nên mang tính chất khuyến khích chứ không nên bắt buộc”. |
(Theo PLTPHCM)
- 137
- By Admin
- 26/06/2012
- 17