Tp.HCM: Nhà siêu mỏng "tái xuất" như nấm sau mưa
Theo một cán bộ của ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị, tới thời điểm hiện tại, việc giải phóng mặt bằng của gói dự án thành phần số 4 (cải tạo kênh Tân Hoá – Lò Gốm – thuộc tiểu dự án Nâng cấp đô thị Tp.HCM) đoạn đi qua địa bàn quận 6 chỉ mới đạt được khoảng 70%. Dù vậy, dọc tuyến đường ven kênh Tân Hoá – Lò Gốm (đoạn chạy qua quận 6) đã xuất hiện hàng loạt ngôi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng. Chúng “mọc” nhanh hơn tốc độ thực hiện dự án…“Mưa chưa xong nấm đã mọc”
“Nhìn vào những ngôi nhà này không ai có thể tưởng tượng được với diện tích nhỏ đến thế mà vẫn cất được nhà”, ông Ngô Thiện Trí, một cán bộ hưu trí ở quận 6, ngao ngán nói.Ngôi nhà “mỏng nhất” vừa mọc lên ven kênh Tân Hoá – Lò Gốm thuộc phường 11, quận 6, với chiều ngang 4m và chiều sâu 0,8m. Ảnh: Đoàn Quý |
Đúng như lời ông Trí, khi nhìn một ngôi nhà trong hẻm 357 đường Hậu Giang (phường 11 quận 6), chúng tôi không khỏi thán phục. Căn nhà có chiều ngang khoảng 1m nhưng chủ nhà cho xây đến một trệt hai lầu. Nhìn ngôi nhà cứ như một trụ bêtông dựng đứng!
Cách ngôi nhà này chưa đầy 15m, một ngôi nhà khác diện tích chắc không thể nhỏ hơn, chừng 4m x 0,8m, cũng… dựng cao gần chục mét, với kết cấu một trệt hai lầu. “Mấy chú thấy có sợ không chứ trời mưa mà biểu tui vào căn nhà này trú mưa thôi tui cũng không dám, nói gì đến chuyện ở. Nói dại, nếu gió giật mạnh như hồi bão số 1 đổ vào Tp.HCM vừa rồi, dám ngã nhà chứ chả chơi!”, ông Trí nói.
Không chỉ có hai căn nhà trên, chạy dọc đoạn đường chưa đầy 1km ven kênh Tân Hoá – Lò Gốm đang giải phóng mặt bằng, chúng tôi còn thấy gần chục căn nhà tương tự và một số căn lụp xụp đang chuẩn bị xây cất lại với diện tích chưa đầy 15m2/căn thuộc hai phường 10 và 11 (quận 6). “Nâng cấp đô thị mà để xảy ra tình trạng này thì đâu thể gọi là nâng cấp”, ông Trí bức xúc.
Đi đâu khi tiền không có?
Cách đây hơn một tuần, tiếp xúc với bà H.H., chủ căn nhà siêu mỏng thứ nhất ở hẻm 357 trên đường Hậu Giang, vừa rửa đống chén bát mà khách ăn sáng để lại, bà H.H. cho biết ngôi nhà bà đang ở là của ông bà để lại. Nhà có bảy anh chị em nên mỗi người được ông bà chia cho một miếng đất khoảng 25m2 (2,5 x 10m) trên một miếng đất chung chừng 200m2. Khi dự án cải tạo kênh Tân Hoá – Lò Gốm triển khai, nhà cửa của mấy anh chị em bà hầu hết đều bị giải toả trắng. Riêng bà còn được phần đất chừng 13m2, trong đó chiều dài là 10m, chiều ngang còn đúng 1,3m. “Lúc đầu cũng tính nhượng phần đất còn lại này cho dự án luôn nhưng tiền đền bù (18,5 triệu đồng/m2) không đủ mua một suất tái định cư nên gia đình tui đành phải giữ lại phần đất này đặng có chỗ ở. Chưa kể đất tái định cư ở xa (vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B – Bình Chánh), vô đó ở thì con cái đi học xa quá, mà ở đó cũng không biết làm gì để kiếm sống”, bà H.H. cho biết.Diện tích đất dưới 15m2 chỉ được cải tạo, sửa chữa Theo quyết định số 135/2007/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM quy định về diện tích và kích thước lô đất xây dựng, trường hợp lô đất có vị trí mặt tiền đường dưới 15m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 3m chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng mới. Lô đất có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên được phép cải tạo, sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 13,4m. |
Rồi bà dẫn chứng ngay câu chuyện của người em cũng được ông bà để lại cho một diện tích giống bà nhưng nằm trong diện giải toả trắng, toàn bộ số tiền được đền bù vào khoảng 450 triệu đồng, tính tới tính lui chạy về Long An mua đất rộng một chút hết 240 triệu đồng, xây nhà xong hết hơn 500 triệu đồng. Ngôi nhà khang trang thật, nhưng về đó thất nghiệp, nhà sáu miệng ăn… giờ sống rất vất vả!
“Với diện tích nhà tui hiện giờ, nếu cho thuê thì không dưới 5 triệu đồng/tháng, nếu treo bảng cho thuê thì nhiều người sẵn sàng thuê nhưng cho thuê rồi thì ở đâu, kiếm sống ra sao? Nhà chật hẹp nhưng ở đây vẫn tiện nhất vì mỗi ngày chồng chạy xe, tui bán cơm, càphê… trừ mọi chi phí cả hai vợ chồng cũng dành dụm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Ít thì mình sống theo cách ít, không phải sống trong nợ nần sau giải toả là may mắn lắm rồi”, bà Hạnh tâm sự.
Khi chúng tôi thắc mắc diện tích nhà nhỏ vậy làm sao bà xin phép xây lầu được, bà nói: “Không “lên lầu” thì làm sao ở được hả chú? Kể cả bây giờ xây lên một trệt, hai lầu nhưng nói thật, bốn người trong nhà tui cũng phải chen chúc mới sống được. Khó quá thì phải làm liều thôi chú!”
Trả lời thắc mắc của phóng viên về sự xuất hiện của nhiều nhà siêu mỏng với kết cấu một trệt hai lầu, trong đó có căn chiều sâu chỉ 0,8m, ông Trần Ngọc Danh, phó chủ tịch UBND quận 6, cho rằng nhà siêu mỏng “chỉ có vài căn thôi chứ đâu có nhiều”. Theo ông Danh, quận đã cho người đi kiểm tra và báo lại là không có căn nhà nào chiều sâu chỉ 0,8m”. Ông Danh còn cho biết thêm là “vài căn nhà đó được các hộ dân xây dựng không có giấy phép, quận đang tiến hành xử phạt”.
Vấn đề là xử phạt xong rồi thì giải quyết thế nào với những ngôi nhà siêu mỏng; và liệu xử phạt có phải là giải pháp tối ưu để chấm dứt sự xuất hiện của những ngôi nhà như thế này? Câu hỏi xem ra chưa có lời giải triệt để từ phía các cơ quan hữu trách. Còn với người dân, như bà H.H., lỗi này không phải của riêng họ, bởi khi giải toả nhà đất của dân, Nhà nước phải tính tới chuyện sinh nhai, cư ngụ của người dân đã nhường đất cho dự án. Nếu được tính đúng, tính đủ và đảm bảo được điều kiện sinh sống, có lẽ chẳng người dân nào muốn sống trong những không gian chật hẹp và nguy hiểm như nhà siêu mỏng.
TS.KTS Nguyễn Tiến Thành (trưởng khoa kiến trúc đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, từng tham gia dự án kênh Tân Hoá – Lò Gốm): Vẫn lặp lại lỗi cũ Để bảo đảm hài hoà kiến trúc và đảm bảo lợi ích của người dân nằm trong khu vực giải toả của dự án, trước hết, phải có quy hoạch chi tiết, trong đó cần quy định cụ thể về mật độ xây dựng, tầng cao, diện tích… Đặc biệt, để không còn xuất hiện nhà siêu mỏng, phải tính toán và dự trù giải quyết vấn đề này từ trước khi bắt đầu thi công dự án. Chẳng hạn, phải xác định rõ được bao nhiêu căn hộ còn 15m2, 25m2... sau khi giải toả. Quan trọng nhất, khi làm theo đồ án quy hoạch chi tiết dọc theo kênh bị giải toả, cần nắm rõ số liệu về nhà ở dọc kênh. Sau giải toả, những nhà không đủ theo quy chuẩn xây dựng cần giải quyết trước và triệt để, không để đến lúc làm đường ven kênh xong mới giải quyết. Về lý luận, theo tôi, những căn nhà sau giải toả chỉ còn dưới 30m2 phải xét từng trường hợp cụ thể, vị trí cụ thể, nếu không có vướng mắc gì thì các cơ quan chức năng nên cho phép xây dựng, không thể cứng nhắc, để vừa hài hoà lợi ích của người dân mà vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị. Chiếu theo quy định về xây dựng, nhà ở được quy định 30m2 là chuẩn để thiết kế căn hộ, còn việc duyệt cấp phép cho nhà ở mặt tiền đô thị cần vận dụng theo một quy chuẩn khác. Tuy nhiên, đối với những trường hợp như báo nêu thì không được vì diện tích quá nhỏ. Theo tôi, sau khi giải toả, những căn nhà có diện tích dưới 30m2 Nhà nước nên thu lại để mở rộng không gian công cộng. |
(Theo SGTT)
- 148
- By Admin
- 24/09/2012
- 17