Tp.HCM: Nhà chưa có giấy chủ quyền, vẫn cấp phép xây dựng
Theo ông Tuyên, quy định mới về nhà ở riêng lẻ không có các loại giấy tờ về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất (gọi chung là giấy chủ quyền), nằm trong khu dân cư hiện hữu, ổn định, sử dụng trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật xây dựng có hiệu lực) và phù hợp quy hoạch là đất ở vẫn được CPXD.Như vậy so với quy định trước đây (nhà phải có giấy chủ quyền hoặc các loại giấy tờ hợp lệ khác theo quy định) thì quy định mới mở rộng thêm cho nhiều đối tượng được CPXD hơn.
Tuy nhiên chủ đầu tư phải có giấy cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về ranh giới thửa đất đang sử dụng (kể cả phần tường chung với các nhà liền kề nếu có) không có tranh chấp, khiếu nại và phải được UBND phường xã, nơi có công trình xây dựng xác nhận. Trường hợp người dân có nhu cầu xây dựng nhà trên ranh đất lớn hơn ranh hiện trạng nhà cũ, hoặc thay đổi vị trí khác phải xin cấp giấy chủ quyền trước khi xin CPXD.
Hồ sơ cấp giấy phép xây dựng gồm đơn đề nghị (một bản chính), bản sao có chứng thực giấy chủ quyền nhà đất. Trường hợp bản sao không có chứng thực thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu với bản chính, ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. |
Nhà ở đã được CPXD, sau khi phá dỡ mà hiện trạng cũ có diện tích đất xây dựng lớn hơn diện tích ghi trong giấy chủ quyền thì người dân phải chứng minh được phần nhà, đất đó không có tranh chấp, khiếu nại.
Người dân phải chứng minh bằng giấy tờ pháp lý hoặc có sự thỏa thuận của các hộ liền kề (có liên quan) và có xác nhận chữ ký của UBND phường xã. Sau đó UBND quận huyện kiểm tra, xác nhận phần diện tích đất mở rộng đó có lấn chiếm đất công hay không.
Nếu không có tranh chấp, khiếu nại, không lấn chiếm đất công và phù hợp quy hoạch thì cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giấy phép xây dựng theo diện tích sử dụng thực tế.
Những thay đổi nào về công trình buộc phải xin điều chỉnh giấy phép?
Khi muốn điều chỉnh thiết kế xây dựng nhà ở khác với nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp như: vị trí xây dựng công trình, cao độ nền xây dựng công trình; các chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; diện tích xây dựng; tổng diện tích sàn; chiều cao công trình; số tầng và những nội dung khác được ghi trong giấy phép xây dựng thì chủ nhà phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi thi công. Những thay đổi khác không phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp.
Trong vòng 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng mà công trình chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định, chủ đầu tư phải xin gia hạn giấy phép xây dựng.
Theo quy định, những công trình xây dựng thuộc dạng nào không phải xin phép UBND quận huyện mà chỉ cần đăng ký tại UBND phường xã?
- UBND phường xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây dựng, sửa chữa, cải tạo và thông báo ngày khởi công xây dựng đối với những công trình mà theo quy định không phải xin giấy phép xây dựng như: công trình tạm phục vụ thi công cho công trình chính; công trình nâng nền, nâng gác, nâng mái; xây dựng lại tường bao che bị hư hỏng theo nguyên trạng; công trình gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt không làm thay đổi quy mô diện tích, không ảnh hưởng đến kết cấu...
Nhà ở riêng lẻ (kể cả nhà ở riêng lẻ thuộc các trục, tuyến đường phố chính trong đô thị) thuộc thẩm quyền CPXD của UBND các quận huyện. Nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn (đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của UBND quận huyện phải CPXD) do UBND xã CPXD.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện CPXD thì cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn trong thời hạn 10 ngày làm việc. Đối với nhà ở riêng lẻ thời gian CPXD là 15 ngày làm việc, nhà ở nông thôn là 10 ngày làm việc. Chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản việc khởi công xây dựng công trình cho UBND phường xã, thị trấn trong thời hạn bảy ngày, trước khi khởi công xây dựng.
Hiện ba tuyến đường: đại lộ Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội và tuyến Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài đang nghiên cứu thiết kế đô thị. Nhà hộ dân ở các tuyến đường này muốn xin phép xây dựng được giải quyết ra sao?
Hiện UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - kiến trúc nghiên cứu lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị dọc các tuyến đường trên để làm cơ sở giải quyết CPXD và quản lý xây dựng. Do vậy trước mắt các công trình xin phép xây dựng dọc các tuyến đường này phải có ý kiến về chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch của Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.
(Theo TTO)
- 136
- By Admin
- 11/07/2011
- 17