Tp.HCM: Người dân bị “treo đất” hơn 10 năm
Năm 2001, người dân các ấp 1, 2 và 4 (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) nhận được thông tin sẽ có quy hoạch khu công nghiệp – khu dân cư ở khu vực này với diện tích khoảng 380 ha do Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư.Phải thuê đất trong khi đất nhà bỏ hoang
Kể từ đó, hàng trăm hộ dân ở khu vực nói trên không thể giao dịch mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở hay kho xưởng. Thế nhưng, mãi đến năm 2010, chủ đầu tư đột nhiên rút lui vì lý do đơn giản: “Không đủ khả năng thực hiện”. Trước thông tin này, người dân chưa kịp mừng, đến tháng 8 - 2010, Công ty CP Đầu tư thương mại D.I.C (gọi tắt là D.I.C) “nhảy” vào, tiếp tục thực hiện quy hoạch trên. Thế nhưng, gần hai năm qua, người dân trong vùng quy hoạch vẫn chưa một lần được gặp chủ đầu tư để được thương lượng giá cả hay phương án đền bù.Những căn nhà tạm bợ giữa khu dân cư thuộc ấp 2, xã Xuân Thới Thượng |
Cầm đơn kiến nghị gửi UBND huyện Hóc Môn trên tay, ông Đỗ Vĩnh Năng, ngụ phường 9, quận Tân Bình - Tp.HCM, cho biết gia đình ông hiện có khu đất hơn 4.700 m2 tại ấp 1, xã Xuân Thới Thượng. Thế nhưng, vì quy hoạch treo nên nhiều năm qua, doanh nghiệp của ông phải thuê nhà xưởng tại quận Bình Tân – Tp.HCM để hoạt động. Nay thời buổi làm ăn khó khăn, để tận dụng đất của gia đình, ông đã gửi đơn đến Sở Tài nguyên - Môi trường để xin xây dựng nhà xưởng. Ngày 18-4-2011, sở này có văn bản cho phép ông được xây nhà xưởng tạm nhưng ông phải cam kết chấp hành các điều kiện khi Nhà nước yêu cầu. Bởi theo Sở Tài nguyên – Môi trường, cho đến tháng 4 - 2011, cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ sử dụng đất, không rõ về pháp lý quy hoạch và thời gian, tiến độ thực hiện dự án của D.I.C.
Thế nhưng, đến tháng 4 - 2011, khi gửi hồ sơ xin xây dựng nhà xưởng đến UBND huyện Hóc Môn thì được trả lời là không chấp nhận vì trước đó, ngày 2-11-2010, huyện có văn bản gửi Sở Tài nguyên – Môi trường xin ý kiến thì được phúc đáp: “… Các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất. Riêng việc tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng nhà ở thì không giải quyết vì có quy hoạch thực hiện dự án”.
Vậy là từ đó đến nay, mỗi năm, ông Năng phải bỏ ra 400 triệu đồng để thuê đất trong khi đất của gia đình ông bị bỏ hoang.
Nhếch nhác vì quy hoạch treo
Con đường đất, đá lởm chởm dẫn vào tổ 13, ấp 2 tuy khá rộng nhưng vẫn chưa thể tráng nhựa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới bởi vướng quy hoạch. Dọc con đường này, rất nhiều ngôi nhà cất tạm với lá dừa hoặc tôn lắp ghép, trông hết sức nhếch nhác.Ông Phạm Văn Thơm, tổ trưởng tổ 13, cho biết: Trong dịp đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri sắp tới, ông sẽ tiếp tục kiến nghị chuyện hàng trăm người dân địa phương bị quy hoạch “treo”. Theo ông Thơm, chính ông cũng như hầu hết người dân ở đây vẫn chưa một lần gặp mặt chủ đầu tư, kể cả chủ đầu tư cũ và mới. Họ chỉ biết khi cần tách thửa xây nhà cho con cái hay bán đất thì biết đất của mình vẫn còn trong quy hoạch, không thể thay đổi.
Gần đó, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: Lớn tuổi rồi, bà muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cháu bằng việc xây vài căn nhà trọ, thế nhưng do vướng quy hoạch nên xã không đồng ý. Cũng ở khu vực này, ông Nguyễn Văn Hải có mảnh ruộng 1.000 m2 tại ấp 2, đã nhiều lần muốn tách thửa cho con cái làm ăn nhưng cũng không được.
Sẽ kiến nghị Thành ủy giải quyết Trước bức xúc của người dân, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết: Sắp tới, trong cuộc họp với Thành ủy, UBND huyện sẽ kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, kiến nghị UBND TP có gia hạn cho chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án thì huyện đề xuất thu hồi. Theo bà Tuyết, khi tiếp nhận quy hoạch này, D.I.C thực hiện các thủ tục liên quan nhưng quá chậm, UBND huyện đã nhiều lần nhắc nhở. |
(Theo NLĐ)
- 0
- By Admin
- 02/04/2012
- 17