Tp.HCM: Ngưng góp Quỹ 156
Sau khi có kiến nghị của Sở Tài chính, UBND Tp.HCM vừa chỉ đạo tạm dừng phê duyệt chi phí hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm trong tổng chi phí đầu tư các dự án đầu tư mới trên địa bàn Tp.HCM. Đồng thời, giao Sở LĐ-TB-XH tổng kết đánh giá thực tiễn toàn bộ quá trình hoạt động của Quỹ 156 để có những chỉ đạo tiếp theo.Bồi thường đã sát giá thị trường
Ông Trần Nam Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM, cho biết các dự án đầu tư mới trên địa bàn TP áp dụng các quy định về bồi thường, hỗ trợ theo Nghị định 69/CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Khung giá bồi thường, hỗ trợ theo Nghị định 69/CP đã áp sát giá thị trường và cũng tính đầy đủ các khoản hỗ trợ, vì thế không cần đóng thêm quỹ hỗ trợ để tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đã có hướng dẫn cụ thể bằng Quyết định số 35/2010 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Tp.HCM, trong đó quy định các chủ đầu tư dự án không trích nộp khoản kinh phí bồi thường, hỗ trợ về Quỹ 156.Nhiều hộ dân ở quận Thủ Đức-Tp.HCM có đất bị thu hồi để thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý quỹ 156, trong thời gian chờ Quỹ Phát triển đất (cơ quan thực hiện chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng) đi vào hoạt động, TP vẫn phải có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho hộ dân có đất bị thu hồi khi họ có nhu cầu. Do vậy, Hội đồng Quản lý quỹ kiến nghị UBND TP cho phép tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với các hộ bị thu hồi đất theo Quyết định số 35/2010 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Tp.HCM.
Ông Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo TP, đơn vị thường trực Hội đồng Quản lý quỹ 156, cho biết các hoạt động của Quỹ 156 trong thời gian chuyển đổi giữa quy định cũ và mới vẫn chờ chỉ đạo của UBND TP.
Còn 60 tỉ đồng cần người vay
Theo báo cáo sơ bộ của Hội đồng Quản lý quỹ 156, tổng vốn hoạt động của quỹ là 199 tỉ đồng, trong đó có 50 tỉ đồng do TP cấp ban đầu và 149 tỉ đồng đóng góp từ 38 chủ đầu tư dự án thuộc 17 quận - huyện. Qua đó, cho thấy còn rất nhiều dự án đã được Sở Tài chính và các quận-huyện phê duyệt phần trích đóng kinh phí “nợ” Quỹ 156. Chỉ riêng năm 2010, tổng đóng góp của các chủ đầu tư theo tính toán của Hội đồng Quản lý quỹ 156 lên đến 400 tỉ đồng nhưng thực tế các chủ đầu tư chỉ mới đóng được 55 tỉ đồng. Hội đồng Quản lý quỹ 156 cho biết vẫn đang đôn đốc các chủ đầu tư dự án chuyển phần trích đóng về Quỹ 156.Dù vậy, ông Lương khẳng định Quỹ 156 vẫn còn khả năng giải ngân và trên thực tế vẫn đang tiếp tục giải ngân cho người dân bị ảnh hưởng của các dự án có nhu cầu vì hiện vẫn tồn quỹ gần 60 tỉ đồng. Trong năm đầu thực hiện (2007), Quỹ 156 đã giải ngân trên 2.000 dự án, hỗ trợ cho 28.665 lao động với số vốn vay 210,3 tỉ đồng (tính cả vốn quay vòng). Nếu so với 18.000 hộ dân có đất bị thu hồi cần hỗ trợ (trong tổng số 85.000 hộ bị ảnh hưởng toàn TP), theo tính toán, khảo sát ban đầu của Hội đồng Quản lý quỹ đưa ra thì số lao động đã giải quyết được chiếm một tỉ lệ khá nhỏ.
Lý giải điều này, ông Lương cho rằng con số 16.800 hộ chỉ là ước tính, có thể trên thực tế không có nhiều hộ như thế cần vay vốn chuyển đổi nghề hay hỗ trợ đào tạo. Song, Hội đồng Quản lý quỹ vẫn tiếp tục cho khảo sát, đánh giá nhu cầu về vay vốn giải quyết việc làm của người dân bị thu hồi đất, không phân biệt dự án mới hay cũ. Bên cạnh đó, công tác thu nợ chưa cao, nợ quá hạn của quỹ hiện lên đến 3,3 tỉ đồng. Theo Hội đồng Quản lý quỹ, nguyên nhân là do giá cả vật tư, nguyên liệu ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nên nhiều hộ vay đã xin gia hạn thời gian trả nợ.
(Theo NLĐ)
- 156
- By Admin
- 27/05/2011
- 17