Tp.HCM: Lúng túng khi xử lý nhà sai phép
Dãy nhà xây trái phép trên đất thuộc quy hoạch ga Bình Triệu, KP6, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, Tp.HCM từ năm 2005, 2006 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, nhà xây trên thực tế nhỏ hơn diện tích được cấp trong giấy phép xây dựng sẽ không bị xử phạt với điều kiện: đây là nhà ở riêng lẻ và phần diện tích xây dựng nằm trong khu đất hợp pháp của chủ nhà, không có khiếu kiện, không lấn chiếm chỉ giới xây dựng...
Nhà ở xây dựng sai phép thuộc quy hoạch khu dân cư ổn định nhưng sai phép về số tầng, diện tích xây dựng và không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì chủ nhà được giữ lại phần diện tích sai phép. Khi thực hiện quy hoạch, chủ nhà phải tháo dỡ phần diện tích sai phép này và không được bồi thường. Cũng là nhà ở xây dựng sai phép thuộc quy hoạch khu dân cư ổn định, nhưng nếu lấn chiếm chỉ giới xây dựng thì phải tháo dỡ, không được tồn tại.
Xây bít ô thông tầng phải tháo dỡ
Công trình xây dựng không che chắn, dù không để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu dân cư xung quanh vẫn bị coi là hành vi vi phạm trong xây dựng. Theo quy định, nhà thầu thi công công trình trên bị phạt từ 20-30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Nếu thay đổi kiến trúc bên trong nhà ở riêng lẻ mà không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính của công trình thì không bị xử phạt xây dựng sai phép. Trường hợp chủ đầu tư lấp ô thông tầng tại tầng lửng để tạo thêm một tầng trong công trình (là nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng và cả công trình công nghiệp) tại đô thị thì bị coi là xây dựng vượt quá số tầng so với giấy phép.
Tùy theo loại công trình, mức độ vi phạm mà chủ đầu tư, đơn vị thi công có thể bị xử phạt từ 1-30 triệu đồng, ngoài ra còn buộc phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép.
Bộ Xây dựng hướng dẫn: chủ đầu tư xây dựng nhà đúng số tầng trong giấy phép, có phát sinh thêm tầng lửng nhưng không vượt quá chiều cao công trình theo giấy phép xây dựng thì không bị xử phạt. Nhà của bà Trần Thị T. ở quận Gò Vấp (Tp.HCM) được cấp giấy phép xây dựng một trệt, hai lầu, một lửng.
Trong quá trình xây dựng, bà đã lấp ô thông tầng giữa tầng lửng với tầng 1 (diện tích gần 10m2) và bị thanh tra xây dựng quận đình chỉ thi công, phạt tiền, yêu cầu phải đục trả lại lỗ thông tầng mặc dù nhà bà không vượt quá chiều cao công trình so với giấy phép xây dựng được cấp.
Nhiều người dân khác cũng gặp phải trường hợp như bà T. và không ít người thắc mắc: quy định cho phép nhà ở xây thêm tầng lửng (tức diện tích xây dựng thêm lớn hơn ô thông tầng) được tồn tại, còn trường hợp bít ô thông tầng (diện tích nhỏ hơn) lại bị xử phạt, yêu cầu phải tháo dỡ?
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, có nhiều trường hợp xây dựng thêm tầng lửng với diện tích khá lớn, ảnh hưởng đến sức chịu lực của công trình khi xây dựng hoặc đưa vào sử dụng. Vì vậy nếu không xử phạt và cho tồn tại tất cả những trường hợp này thì chưa phải là giải pháp tốt.
Nhiều quận huyện cũng đang băn khoăn về vấn đề này và quá trình áp dụng nếu phát sinh vướng mắc sở sẽ đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn. Trong khi đó chánh thanh tra xây dựng một quận cho biết quận vẫn xử phạt và buộc tháo dỡ đối với công trình có hành vi vi phạm như trên.
Loay hoay với nhà không phép trên đất nông nghiệp
UBND huyện Bình Chánh cho biết hiện có nhiều công trình trên địa bàn xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Vì nằm trong khu đô thị hóa nên đất nông nghiệp này không thể trồng cây hay chăn nuôi gì được.
Nhưng nếu xử lý rốt ráo theo quy định của pháp luật là buộc phải tháo dỡ nhà dân, trả lại đất để làm nông nghiệp thì không hợp lý. Huyện đã thắc mắc vấn đề này nhiều lần nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải đáp.
Chánh thanh tra xây dựng một quận vùng ven cho hay quận này đang gặp nhiều trường hợp xây nhà không phép trên đất nông nghiệp được quy hoạch là khu dân cư hiện hữu. Quy định cho phép chủ nhà phải bổ sung giấy phép xây dựng trong vòng 60 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm.
Tuy nhiên theo quy định, trước khi có giấy phép xây dựng phải xin chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở và thời gian xin chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng thường kéo dài hơn 60 ngày.
Như vậy, sau 60 ngày mà chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng thì có cưỡng chế phá dỡ công trình hay không? Nếu không phá dỡ thì vi phạm quy định, còn phá dỡ thì có thể “oan” cho người dân vì họ đang làm thủ tục xin giấy phép.
Các quận huyện lâu nay vẫn làm theo cách: nếu chủ nhà xuất trình được xác nhận của các đơn vị liên quan về việc họ đang làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng thì sẽ ngưng cưỡng chế tháo dỡ.
Trường hợp cơ quan chức năng thông báo đất không đủ điều kiện chuyển mục đích sang đất ở hoặc không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì mới tháo dỡ nhà dân.
(Theo Tuổi trẻ)
- 140
- By Admin
- 10/02/2011
- 17