• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Làm giấy chủ quyền nhà, đất vấn còn nhiều bất cập

Ngày 9/2, hàng chục người dân đến phòng tiếp dân của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.Thủ Đức (VPĐK) để hỏi về hồ sơ làm giấy chủ quyền bị trễ hẹn và nhiều người ra về trong thất vọng.

Tp.HCM: Làm giấy chủ quyền nhà, đất vấn còn nhiều bất cập | ảnh 1

Đến hẹn mới yêu cầu bổ sung giấy tờ

Ngày 11/10/2011, bà Nguyễn Thị Lệ (KP3, P.Linh Xuân) nộp hồ sơ làm giấy chủ quyền căn nhà bà đang ở. VPĐK hẹn bà Lệ ngày 17/1/2012 sẽ trả kết quả. Qua mấy tháng không nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ, bà Lệ nghĩ vậy là ổn.

Thế nhưng đúng ngày hẹn, VPĐK trả hồ sơ lại và thông báo nhà của bà Lệ không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Bất ngờ và bức xúc, bà Lệ quyết hỏi cho ra lẽ. Khi đó, cán bộ VPĐK hướng dẫn bà Lệ phải bổ sung một số giấy tờ như hợp đồng tặng cho nhà của mẹ bà, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và tường trình về thời gian xây dựng hai căn phòng trọ do bà mua trước đó. “Tại sao VPĐK giữ hồ sơ của tôi đến ba tháng mới yêu cầu bổ sung giấy tờ?” - bà Lệ bức xúc.

Tương tự, bà Nguyễn Hồng Châu ở P.Tam Phú nộp hồ sơ xin cấp đổi giấy chủ quyền từ đầu tháng 10/2011 và được hẹn trả vào đầu tháng 1/2012. Đến ngày hẹn, bà Châu được yêu cầu phải bổ sung bản tường trình về phần diện tích nhà tăng thêm của căn nhà. “Các chuyên viên VPĐK tiếp dân không hẹn ngày nào trả hồ sơ nên cứ một, hai tuần tôi lại đến hỏi thăm. Lần gần đây nhất, các chuyên viên dặn: bà cứ về nhà chờ, từ đây đến bốn tuần nữa mà VPĐK chưa gọi điện thoại mời thì hãy đến đây!” - bà Châu kể.

Bà P., 77 tuổi, ở P.Hiệp Bình Phước, cũng ra về thất vọng sau một hồi năn nỉ các chuyên viên của VPĐK. Bà P. nộp hồ sơ xin cấp phó bản giấy chủ quyền (đã bị mất) từ tháng 11/2011, nay đã quá ngày hẹn nhưng chưa được giải quyết. “Đất của tôi đã có giấy chủ quyền rồi chứ đâu phải mới, vậy mà các chuyên viên nói không tìm ra hồ sơ gốc?” - bà P. thắc mắc.

Còn ông Đ. ở P.Linh Xuân bị yêu cầu bổ sung tường trình nguồn gốc đất vào đúng ngày hẹn trả kết quả. Lần gần đây nhất, ông Đ. được hẹn đến ngày 18/2 mới có giấy chứng nhận.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nói gì?

Đại diện VPĐK cho biết hiện nay hồ sơ làm giấy chủ quyền nhà nhiều, nguồn gốc nhà, đất lại khá phức tạp, việc xử lý phải qua nhiều khâu, nhiều đơn vị nên không thể bảo đảm trả kết quả đúng hẹn hoàn toàn cho dân. Ngoài ra, một số trường hợp hồ sơ giải quyết chậm là do cán bộ mới, yếu nghiệp vụ.
Đến hẹn, yêu cầu bổ sung là... đúng hẹn (?!)

Ông Lâm Thành Nam, phó giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.Thủ Đức, cho biết có 96-97% số lượng hồ sơ cấp giấy chứng nhận trả kết quả đúng thời hạn theo quy trình ISO. Theo ông Nam, những trường hợp đến ngày hẹn nhận kết quả mà có thông báo ngưng giải quyết hồ sơ, trả hồ sơ hoặc yêu cầu người dân bổ sung tài liệu cũng được xem là giải quyết đúng hạn (?!). Trong khi đó, nghị định 88 về cấp giấy chủ quyền quy định văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND xã, thị trấn khi nhận hồ sơ có trách nhiệm viết giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ, trong thời hạn không quá ba ngày làm việc phải kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết nếu cần phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Những trường hợp nhà có phần diện tích tăng thêm, phải chuyển hồ sơ để phòng quản lý đô thị quận xác định xem phần xây dựng thêm có phù hợp quy hoạch, kiến trúc hay không. Thời gian phòng quản lý đô thị thẩm định thường không cố định nên cán bộ thụ lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận không thể trả lời cho dân thời gian chính xác có thể giải quyết hồ sơ. Những trường hợp này, cán bộ thụ lý sẽ giữ lại số điện thoại của dân để liên lạc, mời người dân đến bổ sung hoặc nhận kết quả khi đã giải quyết xong.

Tuy nhiên, người dân thường sốt ruột nên phải đi lại nhiều lần. VPĐK đang kiến nghị cơ quan chức năng tách việc xử lý phần công trình xây dựng sai phép thành một quy trình riêng để không ảnh hưởng đến thời gian cấp giấy chủ quyền.

Đối với những hồ sơ nhà do chủ nhà khai thiếu nguồn gốc nhà, đất thì VPĐK phải trả lại hồ sơ để chủ nhà tường trình và khai lại trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận. Nhà của bà Lệ rơi vào trường hợp này vì không thể bổ sung nguồn gốc nhà, đất vào đơn xin cấp giấy đã được UBND phường xác nhận. Bà Lệ phải làm đơn xin cấp giấy chứng nhận mới có đầy đủ nội dung để UBND phường xác nhận lại.

Hồ sơ của ông Đ. cũng bổ sung về nguồn gốc nhà, đất nhưng chỉ phải bổ sung những giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân chứ không phải khai lại đơn xin cấp giấy nên VPĐK chỉ mời ông Đ. đến để bổ sung. Còn trường hợp của bà P., VPĐK đã sai khi làm mất hồ sơ cấp giấy chứng nhận của người dân. “Trường hợp này chúng tôi sẽ báo cáo với UBND quận, sau đó mời bà P. đến bổ sung một số tài liệu để cấp giấy chứng nhận mới” - đại diện VPĐK cho biết.

(Theo TTO)

  • 122
  • By Admin
  • 14/02/2012
  • 17