Tp.HCM: Lại nổ ra cuộc chiến tranh chấp phí bảo trì chung cư
Không phải mới đây mà một vài năm trước đó, cuộc chiến đòi quỹ bảo trì nhà chung cư tại chung cư Phú Hoàng Anh (Nhà Bè, Tp.HCM) do công ty Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư cũng đã diễn ra căng thẳng và kéo dài chưa có hồi kết.
Trong quá trình đòi lại quỹ bảo trì, Ban quản trị cư dân đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng, song chủ đầu tư hoặc công ty thành viên tiếp quản sau này vẫn quyết không chịu trả.
Mới đây, hàng trăm người dân chung cư trên đã có cuộc họp với chủ đầu tư và buộc phải có đơn cầu cứu đến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng để mong sớm đòi lại quỹ bảo trì chung cư lên đến khoảng 8 tỷ đồng.
Cuộc chiến tranh chấp phí bảo chung cư "nảy lửa" tại chung cư Phú Hoàng Anh
(Nhà Bè, Tp.HCM) do công ty Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư
Cụ thể, từ khi thành lập theo quyết định của UBND huyện Nhà Bè, Ban quản trị (BQT) chung cư Phú Hoàng Anh đã nhận được bàn giao của chủ đầu tư là công ty CP Phú Hoàng Anh số tiền phí bảo trì là 36,96 tỷ đồng.
Từ ngày 18/4/2015 đến nay, công ty này đã “chây ì” không chịu tiếp tục bàn giao số tiền gốc phí bảo trì còn lại cùng số tiền lãi phát sinh 6%/năm mà chủ đầu tư đã cam kết trước đó.
Một đại diện BQT cho biết, bằng việc tập hợp ý kiến cư dân và gửi đơn kêu cứu đến Bí thư Đinh La Thăng nhằm mong muốn lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Ông Trần Hoàng Thái, phó ban quản trị cho biết, theo nguyên tắc thì phí bảo trì phải trả cho ban quản trị ngay lập tức. BQT đã thể hiện thái độ hợp tác để chủ đầu tư trả từng đợt theo cam kết. Song chỉ duy nhất đợt đầu tiên là trả đúng hạn, còn các đợt sau đều rất chậm. BQT đã nhiều lần gửi công văn, đến tháng 4/2015 mới chuyển đợt thứ 5 và đến giờ không trả và cũng không thấy ai trả lời.
Theo Giám đốc công ty Hoàng Anh Viễn Đông Đỗ Thanh Tấn, đại diện chủ đầu tư và doanh nghiệp đã có làm việc với BQT một lần chính thức nhưng chưa thành công vào ngày 26/12/2015. Tới đây, chủ đầu tư, BQT cùng chính quyền địa phương sẽ làm việc với nhau để đối chiếu các phần công nợ để có hướng giải quyết thỏa đáng.
Ông Tấn cho biết, nói không bàn giao là không đúng vì đã bàn giao tiền phí bảo trì đến 80% rồi. Số còn lại nhỏ thôi mà. Doanh nghiệp không hề trốn tránh. Hoàng Anh Gia Lai nói riêng và thị trường nhà đất có khó khăn chung. Vì vậy, việc căng băng rôn đòi nợ rồi gửi thư cho Bí thư Đinh La Thăng là không cần thiết.
Về vấn đề tranh chấp phần tầng hầm thuộc sở hữu chung, BQT cho rằng, tầng hầm phải đưa về hiện trạng ban đầu, phải thuộc về tài sản chung chứ không thuộc chủ đầu tư như phía công ty giải thích. Trong hợp đồng cũ không hề có điều khoản nào nói rõ tầng hầm thuộc về riêng ai. Cho đến khi doanh nghiệp thu hết lại hợp đồng cũ và đưa hợp đồng mới, đồng thời bổ sung nhiều điều khoản không có lợi cho cư dân, biến tầng hầm từ có tranh chấp thành không tranh chấp.
Ông Thái cho rằng, chúng ta phải căn cứ vào hợp đồng mua bán ban đầu. Bởi nếu không có điều khoản nào quy định tầng hầm của ai thì tham chiếu vào luật nhà ở 2005, đó là tài sản chung. Hơn nữa, nếu có tranh chấp xảy ra thì giữ nguyên hiện trạng. Kể từ năm 2012, khi chủ đầu tư bàn giao cho cư dân thì tiền giữ xe tại tầng hầm vẫn dùng lại phục vụ chung cư cho đến khi nào tòa ra phán quyết tầng hầm là của chủ đầu tư.
Những tranh luận đầy mâu thuẫn giữa các bên liên quan vẫn chưa có hồi kết
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Tp.HCM, bên cạnh cuộc tranh chấp “nảy lửa” đang diễn ra tại dự án trên, còn hàng loạt dự án chung cư khác dù đã đưa vào sử dụng từ lâu, song cư dân vẫn phải vất vả chạy theo chủ đầu tư trong việc đòi lại quỹ bảo trì.
Ví dụ, EraTown của công ty Đức Khải, mặc dù đã đi vào hoạt động nhiều năm, dự án đã thành lập được Ban quản trị nhà chung cư, tuy nhiên số tiền quỹ bảo trì còn lại khoảng 20 tỷ đồng, chủ đầu tư vẫn chưa trả hết cho cư dân.
Hay tại dự án chung cư Ruby Garden ở quận Tân Bình, dự án của công ty Trường Thành Lộc tại quận Thủ Đức, đã bàn giao nhà từ lâu và đã thành lập được ban quản trị nhà chung cư, tuy nhiên theo phản ánh mới đây của cư dân thì chủ đầu tư không chịu trả hàng tỷ tiền phí bảo trì cho ban quản trị.
Một cư dân sinh sống tại cao ốc Cộng Hòa Plaza (quận Tân Bình) cho biết, chúng tôi đã nhận nhà và dọn đến sinh sống hơn 3 năm nay, thế nhưng hiện giờ vẫn chưa thành lập được BQT theo quy định nên phí bảo trì cũng không biết giờ đang ở đâu.
- 0
- By Admin
- 14/03/2016
- 17