• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Kiến nghị được tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu

Tại cuộc họp, Tp.HCM đã kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Về cơ chế, Tp.HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép UBND Tp.HCM được quyền tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu lập dự án đầu tư và đàm phán hợp đồng đầu tư đối với các dự án xây dựng công trình giao thông có tính cấp bách, theo hình thức BOT, BT, PPP và được quyền chỉ định đơn vị thi công, tư vấn thực hiện công trình có giá thầu cao hơn hạn mức quy định của Chính phủ (theo Nghị định 85/2009 của Chính phủ, với các gói thầu có giá trị cao, Tp.HCM phải xin chủ trương thực hiện của Chính phủ).

Tp.HCM: Kiến nghị được tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu | ảnh 1

Tp.HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Tài chính và sớm trình Chính phủ có chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, khung gầm, động cơ của xe buýt CNG.

Đối với các dự án cụ thể, Tp.HCM kiến nghị di dời ga đường sắt Gò Vấp để tạo điều kiện cho giao thông trên tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài thông suốt. Ga Gò Vấp ở vị trí hiện hữu sẽ tạo ra giao cắt với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và làm cho giao thông ở đây có nguy cơ bị ùn ứ. Di dời ga Gò Vấp đến vị trí mới cách vị trí cũ 188,5m sẽ tránh được giao cắt này.

Riêng với ga Hòa Hưng, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt xuyên nội đô thành phố kết nối từ ga Hòa Hưng đi qua đường 3-2 tới Tân Kiên (Long An).

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín lý giải, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2025, sẽ có một đường sắt nữa chạy theo đường Vành đai 2 kết nối đến Tân Kiên. Như vậy, tại sao phải làm thêm một tuyến đường sắt xuyên nội đô mà chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn, cuộc sống của rất nhiều người dân sẽ bị đảo lộn. Hơn nữa, sẽ có tuyến metro số 2 đi qua ga Hòa Hưng và tuyến metro này sẽ còn kết nối với các tuyến metro số 3 và 5 cùng nhiều tuyến xe buýt khác, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu kết nối giao thông từ ga Hòa Hưng đến nhiều khu vực của thành phố.

Tp.HCM cũng kiến nghị cho phép di dời ga Hòa Hưng đến vị trí mới cách vị trí hiện hữu khoảng 200m - 300m về phía đường Cách Mạng Tháng Tám để cùng với tuyến metro số 2 chạy dọc đường Cách Mạng Tháng Tám hình thành một ga đường sắt mới. Sự kết hợp giữa đường sắt nội đô và đường sắt quốc gia sẽ làm cho giao thông thêm thuận lợi. Vị trí đất hiện hữu của ga Hòa Hưng sẽ giao lại cho thành phố. Tp.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng các đường kết nối giữa đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, giúp thành phố hoàn thiện đường Vành đai 2.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thống nhất cao với các đề xuất của thành phố. Đặc biệt, đối với các kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, quy hoạch phải có tầm nhìn song cũng không thể tách rời thực tế và phải khả thi, do vậy ông ủng hộ ý kiến của thành phố.

Trước lo ngại của ngành đường sắt về việc di dời ga Gò Vấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngành chủ động tìm giải pháp tháo gỡ với tinh thần giúp thành phố phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Về việc xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông Tân Vạn đến thành phố Nhơn Trạch (Đồng Nai) mà trong đó Tp.HCM đề nghị ưu tiên xây dựng đoạn từ nút giao thông Thủ Đức tới Nhơn Trạch (có cầu kết nối Tp.HCM và Nhơn Trạch), Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị tìm thêm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

(Theo SGGP)

  • 146
  • By Admin
  • 11/07/2012
  • 17