• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Khu đại dự án thành...làng "chị Dậu"

Nhắm mắt mua liều

Ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh chỉ cách trung tâm thành phố chừng 15 km và cách khu nội thành gần nhất (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), chỉ vài km. Đường sá đi vào ấp cũng khá thuận tiện, dễ dàng. Vậy mà khi tới ấp này, đập ngay vào mắt tôi là có khá nhiều ngôi nhà lá tạm bợ, xập xệ, chẳng khác gì ngôi nhà của chị Dậu. Nguyên nhân: 16 năm nay, toàn bộ ấp 5 nằm trong dự án “treo” nói trên.

Thấy tôi đứng tần ngần trước một ngôi nhà lá cũ nát nhưng bên trong chẳng thấy ai, một phụ nữ đang phơi nhang (hương) gần đó, tiến lại hỏi “Chú kiếm ai?”. Biết tôi là nhà báo, người phụ nữ đó liền ca thán: “Khổ lắm chú ơi, nhất là những người từ nơi khác tới đây mua đất làm nhà để ở. Do là đất quy hoạch treo nên chỉ mua bán bằng giấy tay. Vì thế, dân nhập cư chỉ dám dựng cái nhà lá hay đúng hơn là cái lều bằng lá để che mưa nắng. Nhà nào đánh liều dựng tạm cái nhà cấp 4 ngay lập tức bị chính quyền xuống tháo dỡ liền. Nhà tôi từng có những lúc bị như thế, suốt đêm cả nhà phải ôm nhau ngủ ngoài trời sương gió. Những nhà lá tạm bợ trong con đường hẻm này đều là nhà của dân nhập cư đấy”.

Tôi hỏi “Hồi mua, chị có biết đây là đất thuộc khu quy hoạch sinh thái không”. Chị Oanh đáp “Biết chứ”. “Biết sao còn mua?”. Chị Oanh cười khổ “Người nghèo như chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua đất ở mấy chỗ không vướng quy hoạch. Đất ở đây bị quy hoạch treo đã lâu, giá rẻ, lúc tôi mua có 300 ngàn một m2 thôi à. Giá đó thì chúng tôi mới có thể mua được”. “Nhỡ sau này Nhà nước thu hồi thì sao?”. “Vùng này bị quy hoạch treo mười mấy năm nay rồi, mà đã thấy làm gì đâu. Vì thế, mấy anh chị em tôi đánh liều gom tiền mua đất ở đây với tâm lý 50-50. Nếu Nhà nước vẫn tiếp tục dự án, thu hồi đền bù, thì chúng tôi đi nơi khác. Còn nếu dự án treo bị bãi bỏ, thì chúng tôi tiếp tục sinh sống lâu dài trên mảnh đất này. Khi ấy, sẽ tìm cách làm sổ đỏ, nhập khẩu, thế là thành dân địa phương”.

Đi sâu vào trong một chút, tôi gặp anh Ngự, cũng là một người gốc ngoài Bắc, vào đây mua đất cất nhà từ năm 2000. Hồi ấy, giá đất ở đây còn rẻ hơn nhiều, nên chỉ bỏ ra 40 triệu bạc, anh Ngự đã mua được mảnh đất 100 m2 rồi dựng tạm một căn nhà để ở. Cũng như chị Oanh, anh Ngự thú nhận với số tiền đó, chỉ có thể vào khu quy hoạch này đánh liều mua thì mới kiếm được miếng đất dựng nhà. Căn nhà hiện tại của anh Ngự đã có dáng của một căn nhà cấp 4 với tường xây, lợp phibro xi măng, dù còn khá tuềnh toàng. Tôi hỏi “Đất trong khu quy hoạch, mua bán giấy tay mà sao anh cũng cất được nhà cấp 4?”.

Anh Ngự phân trần “Tôi cất liều đó chú ơi. Những lần đầu cất nhà, trên xã xuống phá dỡ hoài à. Nhưng mình cứ liều dựng lên tiếp. Chắc họ chán nên để cho ở từ đó tới giờ”.

Tuy vậy, do bị coi là đất mua bán không hợp lệ, nên dù đã về đây sinh sống hơn 10 năm, đến giờ gia đình anh Ngự cũng như hầu hết các hộ nhập cư đánh liều mua đất trong khu quy hoạch sinh thái Vĩnh Lộc đều chưa được nhập hộ khẩu, vẫn mang phận “ở nhờ”, thành ra việc học hành của con cái luôn là một vấn đề nan giải. Thế nhưng, do giá rẻ vì bị quy hoạch “treo” lâu dài, nên nhu cầu mua đất cất nhà theo kiểu “liều” của những hộ nghèo ở ấp 5 vẫn đang cao. Bằng chứng là giá đất (mua bán trao tay) ở ấp này, hiện đã lên tới trên 1 triệu đồng/m2, cao gấp 3-4 lần 2 năm trước.

Dân gốc ngao ngán

Dự án đầu tư Khu sinh thái – văn hóa Vĩnh Lộc, ra đời năm 1995 theo Quyết định số 1104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1996, dự án được giao cho Sở NN-PTNT TP HCM làm chủ đầu tư. Sau gần một năm, dự án không có gì tiến triển nên được chuyển giao cho Cty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư. 5 năm sau, Cty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh mới chỉ đền bù, giải tỏa được 17 hộ dân với diện tích 11ha. Vì thế, tới năm 2002, dự án này được chuyển cho TCty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư. Lại thêm 6 năm trôi qua, dự án vẫn … y như cũ.

Trước tình hình đó, giữa năm 2008, dự án được chuyển cho Cty CP Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc, là liên danh giữa TCty Nông nghiệp Sài Gòn với Cty CP Quốc tế C.T (C.T Group). Mãi tới quý 3/2009, Cty CP Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc mới tổ chức họp dân, hứa đến cuối năm 2009, tiến hành đền bù giải tỏa. Nhưng đến nay, mọi việc vẫn chỉ đang trên giấy. Trước thực trạng đó, vào ngày 21/1/2011, UBND TP HCM đã ra Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 21/1/2011 về việc ngưng thực hiện Dự án đầu tư Khu sinh thái-văn hóa Vĩnh Lộc.

Theo những người dân gốc ở ấp 5 (có sổ đỏ, có hộ khẩu), quyết định 353 chỉ là tạm ngưng chứ chưa phải là hủy bỏ hoàn toàn dự án. Sau khi có quyết định này, những hộ là dân địa phương gốc (có sổ đỏ, có hộ khẩu), thì dễ thở hơn trước đôi chút, vì họ đã có thể dựng một căn nhà cấp 4 theo kiểu xây tạm để ở cho đàng hoàng hơn, hay có thể xin chuyển đổi từ đất ruộng 2 lúa sáng đất thổ vườn ...
Ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cũng xác nhận rằng Dự án mới chỉ tạm ngưng chứ chưa hủy bỏ. Tương lai của dự án này như thế nào thì vẫn phải chờ quyết định của thành phố. Và như vậy, tương lai của các hộ dân ở ấp 5 sẽ ra sao, thì họ vẫn phải tiếp tục chờ …

Ông Huỳnh Văn Hơ, một người dân gốc ở ấp 5 cho biết, khi dự án chưa được tạm ngưng, dân ở đây rất khổ vì muốn xây một cái nhà cấp 4 để ở cũng không được, muốn cho con cái tách khẩu ra ở riêng, xã cũng không cho. Ông Hơ kể: “Cha mẹ tôi ở trong một căn nhà gỗ do ông bà để lại. Căn nhà đã lâu đời, mối mọt phá hoại thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Mấy năm trước, gia đình tôi lên xã xin phá nhà cũ, xây căn nhà cấp 4 cho cha mẹ ở, nhưng xã không cho. Phải đợi tới khi có quyết định tạm ngưng dự án của thành phố, gia đình tôi mới dựng được căn nhà cấp 4 cho hai ông bà. Xã không cho dựng nhà kiên cố hơn vì dự án mới chỉ tạm ngưng. Còn căn nhà cấp 4 này (nhà của vợ chồng ông Hơ), tôi dựng liều từ năm 2009, nhưng chỉ làm ở mức đơn giản nhất, vì lỡ mai này người ta đến phá dỡ hoặc thu hồi để làm dự án, thì mình cũng đỡ tiếc tiền đã bỏ ra xây”.

Ông Hơ bộc bạch: “Thành phố mới chỉ tạm ngưng dự án, nên tương lai của chúng tôi vẫn còn mịt mờ quá, chẳng biết mai này nhà cửa, ruộng vườn có bị thu hồi hay không? Dự án treo đã mười mấy năm rồi mà chẳng thấy làm được gì, sao không hủy luôn đi? Nếu thành phố hủy luôn dự án này thì chúng tôi mới hết sống trong cảnh lo lắng, phập phồng”.


(Theo Báo Nông nghiệp)

  • 119
  • By Admin
  • 14/06/2011
  • 17