• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Khi nhà đầu tư "lướt sóng" bị "mắc cạn"

Tp.HCM: Khi nhà đầu tư "lướt sóng" bị "mắc cạn" | ảnh 1
Thị trường BĐS phía Nam đã trầm lắng khá lâu, vượt ngoài suy đoán của nhiều NĐT - Ảnh: Hoài Nam

Anh Ngọc Minh - công tác tại một DN tư nhân đang yên ổn định cư trong một căn nhà ở huyện Hóc Môn. Tháng 8/2010, do quen biết với một môi giới địa ốc và được người này tư vấn, anh đã quyết định bán căn nhà đang ở để đi ở trọ, với ý định dùng tiền tìm mua một căn nhà khác với vị trí gần trung tâm thành phố hơn. Trong lúc đang tìm nhà để mua, anh Minh được môi giới bật mí, có một dự án căn hộ dành cho người thu nhập trung bình ở quận Tân Phú đang bán với mức giá 14,9 triệu đồng/m2, nhưng do quen biết với chủ đầu tư, nếu anh Minh mua, người này sẽ nói với chủ đầu tư giảm 5%. Trước mắt, đóng vào 100 triệu đồng, nếu không có nhu cầu ở, sang lại với giá gốc cũng kiếm được chênh lệch hơn 50 triệu đồng.

"Dù cả hai vợ chồng không có ý định ở căn hộ, nhưng chúng tôi cũng quyết định đầu tư vào dự án này với ý định lướt sóng kiếm lời", anh Minh bộc bạch và cho biết, sau khi đóng vào 100 triệu đồng, anh rao bán căn hộ mãi nhưng không có ai mua. Chủ đầu tư thông báo đóng tiền, vợ chồng anh lại phải tiếp tục đóng thêm gần 200 triệu đồng nữa. Đùng một cái, sau Tết Nguyên đán, anh Minh "ngã ngửa" khi nhận được thông tin chủ đầu tư dự án này đã quyết định giảm giá bán căn hộ xuống còn 13,1 triệu đồng/m2. Như vậy, dù mang tiếng là được mua ưu đãi, nhưng giờ đã trở thành… ngược đãi. "Khổ nỗi, vợ tôi cương quyết không chịu ở căn hộ, nên tôi phải chấp nhận bán lỗ, bằng với mức giá chủ đầu tư vừa giảm, nhưng bán cũng không dễ chút nào", anh Minh than thở.

Trường hợp của anh Hùng (quận Bình Thạnh) còn "thê thảm" hơn. Trong lần trò chuyện với một người bạn là giám đốc một công ty địa ốc ở quận 2, anh được chiến hữu ghé tai nói nhỏ, vừa mua sỉ được lô sản phẩm của dự án căn hộ tại quận Bình Tân. Với mức giá gốc 581 triệu đồng/căn (diện tích 47 m2). Chiến hữu này cho biết, chỉ cần bỏ ra 120 triệu đồng để thanh toán 20% giá trị căn hộ, sau đó sẽ "lướt sóng" kiếm chênh lệch cao hơn. Đây là loại căn hộ bất chấp thị trường, lúc nào cũng có thể lướt sóng được vì diện tích nhỏ, phù hợp với nhiều người có nhu cầu về nhà ở. Dù không có nhiều tiền, nhưng nghe bùi tai, anh Hùng đã quyết định xoay tiền "tậu" một lúc 2 căn hộ, đồng thời còn chia sẻ thông tin với nhiều người khác. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, dù ngày nào anh Hùng cũng gọi điện thoại đốc thúc chiến hữu bán giúp căn hộ, nhưng luôn nhận được câu trả lời: "Chưa có khách hàng!". Trong khi đó, cứ cách vài tháng, anh Hùng lại nhận được thông báo của chủ đầu tư yêu cầu đóng tiền.

Trên đây chỉ là một vài câu chuyện trong khá nhiều trường hợp "lướt sóng" BĐS bị "mắc cạn" ở Tp.HCM. Theo ông Nguyễn Minh Sương, Giám đốc Công ty Địa ốc Đại Nam, thời gian qua, Công ty đã nhận không ít trường hợp ký gửi bán căn hộ của khách hàng.

"Những căn hộ có mức giá khoảng 1,2 tỷ đồng trở lại thỉnh thoảng còn bán được vì gặp khách hàng có nhu cầu về nhà ở, còn với căn hộ cao cấp có mức giá từ 3 - 4 tỷ đồng trở lên thì rất khó", ông Sương nói và kể về một trường hợp dở khóc, dở cười vì "lướt sóng" căn hộ cao cấp của một dự án ở quận 2. Từ đầu năm 2010, anh V., một NĐT ở quận 1, có đến nhờ ông bán giúp một căn hộ của dự án P. ở quận 2. Lúc đầu, người này nhờ bán với mức giá gốc 30 triệu đồng/m2 cho căn hộ 100 m2, nhưng vì không có khách hàng mua nên sau đó anh V. giảm xuống 29,5 triệu đồng/m2 và hiện là 28 triệu đồng/m2, nhưng vẫn không có khách hàng nào mua. Theo ông Sương, cứ mỗi lần gặp lại, anh V. lại than thở đã "bốc hơi" hơn 300 triệu đồng cho căn hộ này, đó là chưa kể tiền lãi vay ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối ra và áp lực đóng tiền theo tiến độ vẫn đang tiếp diễn.

Nhiều chuyên gia địa ốc nhận định, so với chi phí đầu vào, trượt giá…, giá BĐS ở Tp.HCM đã chạm đáy. Tuy nhiên, nếu mua nhà, đất lúc này với mục đích để ở hoặc với những người có khả năng trường vốn mua với mục đích đầu tư lâu dài thì tốt, còn mua để "lướt sóng" thì còn quá rủi ro, đặc biệt là với những người phải đi vay tiền, vì chưa biết lúc nào thị trường BĐS mới sôi động trở lại.

(Theo ĐTCK)

  • 0
  • By Admin
  • 26/03/2011
  • 17