• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: “Khát” vốn phát triển hạ tầng giao thông

Tiếp tục “khát” vốn

Khi tổng kết hoạt động của ngành giao thông vận tải (GTVT) TP năm 2011, trong một loạt nguyên nhân khó khăn tồn tại được ngành chức năng nêu lên, điều đầu tiên là thiếu vốn và tiến độ giải tỏa ì ạch. Sở GTVT Tp.HCM xác nhận, dù tình hình đầu tư xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị có nhiều chuyển biến tích cực trong năm ngoái nhưng nhiều công trình triển khai vẫn còn chậm, đặc biệt các công trình trọng điểm mà nguyên nhân không gì khác hơn do thiếu vốn đầu tư và các quận huyện còn quá chậm trễ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Vậy nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn trong thời gian tới. Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng cho rằng, do năm nay tình hình kinh tế xã hội TP và cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nên ngành GTVT cũng không ngoại lệ, tiếp tục đối mặt với không ít trắc trở. Đặc biệt là tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thậm chí sẽ có nhiều công trình, dự án tiếp tục tạm dừng hoặc phải giãn tiến độ để chờ qua cơn… bĩ cực.

Theo ước tính của ngành GTVT Tp.HCM, chỉ tính riêng khoản vốn dành cho Sở GTVT từ nay đến cuối năm 2012, dự kiến chỉ được nhận hơn 7.800 tỷ đồng trong khi nhu cầu thực sự đã trên 12.100 tỷ đồng! Tính ra mức thiếu hụt là hơn 4.200 tỷ đồng, tỷ lệ thiếu hụt xấp xỉ 35%. Con số thiếu hụt sẽ còn lớn hơn nữa nếu tính chung cho toàn ngành GTVT, trong đó bao gồm hàng loạt công trình hạ tầng giao thông do các quận huyện thực hiện.

Tp.HCM: “Khát” vốn phát triển hạ tầng giao thông | ảnh 1
Hạ tầng giao thông tại Tp.HCM vẫn tiếp tục được tập trung đầu tư (Trong ảnh: Công trình cầu Bình Lợi). Ảnh: Thanh Tâm

Đầu tư có trọng điểm

Trong bối cảnh khó khăn này, ông Trần Quang Phượng một mặt xác nhận trong thời gian tới vẫn tiếp tục tập trung đầu tư vào công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước hoàn thiện chúng theo quy hoạch và đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị hiện hữu. Vẫn theo ông Phượng, cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn là cần đa dạng hóa phương thức đầu tư nhằm thu hút và dễ dàng kêu gọi, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách. Tiếp theo là cần ưu tiên và tập trung đủ vốn cho các dự án trọng điểm như là đòn bẩy để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Đối với vấn đề thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, suốt thời gian dài qua, Tp.HCM luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc kêu gọi đầu tư cũng như quan tâm tìm kiếm đa dạng nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Chủ trương này vẫn tiếp tục được quan tâm khi mà trong giai đoạn 5-10 năm tới, TP dự kiến triển khai thêm hơn 40 dự án cơ sở hạ tầng theo phương thức BT với tổng mức đầu tư lên hơn 85.880 tỷ đồng và 6.100 triệu USD; 10 dự án BT kết hợp BOT với tổng mức đầu tư 78.542 tỷ đồng và 620 triệu USD.

Ngoài ra UBND Tp.HCM cũng đã ban hành danh mục dự án đầu tư theo hai hình thức BOT và BT. Trong số này có thể nhắc đến các dự án tiêu biểu như dự án xây dựng đường vành đai phía Đông, từ chân cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc; dự án xây dựng đường trên cao nối từ nút giao thông khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ; dự án xây dựng nút giao thông khu A Nam Sài Gòn. Riêng dự án cầu Sài Gòn 2 do Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) đầu tư theo hình thức BT đã đi vào giai đoạn cuối chuẩn bị và theo lịch trình sẽ được khởi công xây dựng vào cuối tháng 4 tới.

Về tiến độ “rùa bò” thường thấy trong công tác giải tỏa mặt bằng, theo lãnh đạo Sở GTVT Tp.HCM, cần phải phân định rõ trách nhiệm của UBND các quận huyện, theo hướng nếu địa phương nào để xảy ra chậm trễ, lãnh đạo quận huyện đó sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tp.HCM. Có ý kiến cho rằng, sự ràng buộc như thế sẽ là đòn bẩy nhằm xoay chuyển tình thế ì ạch lâu nay, buộc các lãnh đạo địa phương phải đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa.

(Theo SGGP)

  • 173
  • By Admin
  • 12/03/2012
  • 17