• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Kê khống đất để hưởng đền bù ở Củ Chi

Thanh tra Tp.HCM vừa có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xác minh nội dung tố cáo của công dân liên quan đến trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ và bồi thường hỗ trợ thiệt hại khi thu hồi đất của một số hộ dân tại dự án trồng cây xanh cách ly khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Phước Hiệp, Củ Chi, Tp.HCM).

Trước đó qua phản ánh của người dân, Pháp Luật Tp.HCM đã vào cuộc điều tra về vụ việc này.

Chỉ bán 1.600 m2 sổ đỏ dôi ra hơn 27.000 m2

Từ năm 2010, ông Trần Văn Đỗ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phước Hiệp, Củ Chi, Tp.HCM, đã gửi đơn tố cáo đến ngành chức năng Tp.HCM và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Trong đơn, ông Đỗ cho biết có sai phạm nghiêm trọng trong việc đền bù dự án trồng cây xanh cách ly khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Tp.HCM (giai đoạn một, quy hoạch vào tháng 9-2003).

Cụ thể, ông Đỗ tố cáo cán bộ xã và huyện Củ Chi móc nối với nhau để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân sai lệch với diện tích thực tế rất lớn để hưởng tiền bồi thường từ dự án. Điều đáng nói là người dân không hề biết họ sở hữu diện tích đất “khủng” ấy, vì các hộ này không hề làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất, không đi kê khai diện tích trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước thời điểm có quy hoạch, vào năm 1999, ông Trần Văn Tái, công an viên ấp Mũi Côn Tiểu, xã Phước Hiệp, đã mua đất bằng giấy tay của các hộ trong xã sau đó làm sổ đỏ bán kiếm lợi. Các hộ trên khẳng định với PV là không hề đi kê khai để đăng ký cấp sổ đỏ năm 1999 vì đất họ đã bán giấy tay từ trước thời điểm kê khai.

Tp.HCM: Kê khống đất để hưởng đền bù ở Củ Chi | ảnh 1
Khu vực dự án trồng cây xanh cách ly khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc Tp.HCM có nhiều nghi vấn bị kê khống. Ảnh: NĐ - LM

Tp.HCM: Kê khống đất để hưởng đền bù ở Củ Chi | ảnh 2
Ông Võ Văn Tân (ảnh phải) cầm tờ giấy không phải do ông đi kê khai sử dụng đất. Ảnh: NĐ – LM

Qua đối chiếu sổ đỏ với phản ánh của các hộ dân, cho thấy gần cả trăm ngàn mét vuông đất cấp trên sổ đỏ lệch so với thực tế.

Cụ thể, tháng 9-1999, ông Võ Văn Tấn được huyện Củ Chi cấp sổ đỏ 27.588 m2. Tuy nhiên, ông Tấn khẳng định diện tích đất mà ông khai hoang rồi bán giấy tay cho ông Tái chỉ là 1.600 m2, việc “được” đứng tên trên sổ đỏ ông Tấn không hề biết.

Bà Nguyễn Thị Câu, vợ ông Nguyễn Trung Thành, thì tường trình rằng đầu năm 1999 bà bán cho ông Tái 5.000 m2. Trong khi đó diện tích trên sổ đỏ mang tên chồng bà do UBND huyện Củ Chi cấp tháng 9-1999, có diện tích lên đến 29.602 m2! Vợ chồng ông Thành bà Câu cho biết chưa nhận tiền đền bù diện tích trên.

Bà Võ Thị Thảo cho hay bà không biết đến diện tích 20.196 m2 mà sổ đỏ do huyện Củ Chi cấp tháng 12-1999 thể hiện. Vì phần đất này bà đã bán giấy tay cho ông Tái nhưng với diện tích chỉ 8.000 m2.

Trường hợp khác là ông Võ Văn Xắt, cũng trong năm 1999, ông Xắt được UBND huyện cấp giấy sổ đỏ với diện tích 19.085 m2. Tuy nhiên, ông Xắt cho biết chỉ bán giấy tay cho ông Tái diện tích là 8.000 m2.

Tiếp đó là trường hợp ông Võ Văn Cảm, dù chỉ bán giấy tay cho ông Tái 5.000 m2 nhưng sổ đỏ mang tên ông Cảm dư ra hơn 1.500 m2.

Như vậy trong các trường hợp trên có ít nhất gần 90.000 m2 đất công bị kê khống.

Dấu hiệu làm giả hồ sơ

Tại các biên bản xác minh ranh giới đất, bảng kê khai đều có tên của ông Nguyễn Văn Luộm, cán bộ địa chính xã và ông Nguyễn Thanh Ngởi, Phó Chủ tịch xã, thời điểm ấy.

Tiếp xúc với phóng viên các hộ dân đều khẳng định chưa hề đăng ký, kê khai hay ký tên vào những hồ sơ kê khai đăng ký sử dụng đất này. Ai đó đã giả mạo chữ ký, chữ viết của họ trong tờ khai để nâng khống diện tích.

Ông Võ Văn Tấn cho hay ông không trực tiếp đi làm và không ký vào hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Còn ai đi làm thì ông Tấn không biết. Ông khẳng định: “Tôi chưa từng nhận đồng tiền đền bù nào ở số diện tích lớn như vậy. Nếu tôi có nhiều đất thế thì sao tôi không biết chứ, đất tôi đã bán giấy tay cho ông Tái từ lâu, đất dôi ra chỉ có đất đồng bưng của Nhà nước thôi. Nhưng nghe đâu sau khi có quyền sử dụng đất, họ được hưởng đền bù khá cao!”.

Còn theo trình bày của bà Thảo, vào năm 2003, số tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho hơn 20.000 m2 mà sổ đỏ mang tên bà là hơn 713 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền bà thực hưởng là 110 triệu đồng cho phần đất còn lại của bà, số tiền còn lại bà Thảo phải đưa cho ông Tái. Bà lý giải: “Khi đó ông Tái nhờ lấy giùm tiền. Không phải tiền của tôi thì tôi trả, ai sai thì tôi không biết”.

Còn ông Võ Văn Xắt bức xúc: “Đất mang tên tôi nhưng tôi không hay, đến khi bồi thường tôi có đi ký nhận một nửa tiền đền bù là 300 triệu đồng giùm nhưng sau đó trả lại cho ông Tái, hiện sổ đỏ ông Tái ngân hàng vẫn còn giữ. Do ông Tái đem thế chấp. Điều đáng nói là tên ông Xắt là chữ “T” ở sau nhưng trên các giấy tờ kê khai mà người khác làm giả đều ghi là “Xắc”.

Bực mình vì bỗng dưng có thêm đất mà thực tế đã bán giấy tay với giá rẻ từ lâu, ông Võ Văn Cảm cho biết: “Nếu tôi có nhiều đất thế mà hưởng tiền đền bù một mình thì anh em trong họ sẽ nói, vì đây là đất của thân tộc khai khẩn từ lâu. Họ lấy đâu ra cả ngàn mét để kê khai làm giấy tờ hưởng đền bù thì tôi cũng kính phục, không có cán bộ nào tự nhiên cấp thêm đất cho dân mà dân không biết”.

Báo cáo ngày 17/10/2011 của Thanh tra huyện Củ Chi nêu: “Ông Tấn được hưởng từ thân tộc với diện tích đất là 27.588 m2 và được cấp sổ đỏ từ tháng 9/1999, sau đó ông Tấn lập giấy tay bán lại cho ông Tái…”; bà Thảo hưởng từ thân tộc là 20.196 m2; ông Xắt có diện hưởng từ thân tộc là 19.085 m2 .

Các hộ dân khẳng định báo cáo trên không đúng sự thật, diện tích họ bán cho ông Tái nhỏ hơn rất nhiều lần diện tích ghi trong báo cáo. Điều đáng nói là những nội dung báo cáo này được thanh tra huyện lập ra để chuẩn bị cho đoàn công tác của văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng và Thanh tra Tp.HCM làm việc với UBND huyện Củ Chi.

(Theo PLTP)

  • 0
  • By Admin
  • 15/03/2012
  • 17