Tp.HCM: Hơn 80% dự án nhà ở dang dở
Dự án Waseco Plaza dự kiến xong trong năm 2011, nhưng hiện nay chủ đầu tư mới xây dựng được 5% khối lượng công trình. |
Số liệu khảo sát trên đang được Sở Xây dựng hoàn chỉnh để báo cáo UBND TP nhằm có biện pháp tháo gỡ ách tắc cho thị trường bất động sản TP.
Thiếu vốn trầm trọng
Theo kế hoạch, dự án Waseco Plaza (P.2, Q.Tân Bình) hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến nay chủ đầu tư mới triển khai được 5% khối lượng công trình. Khu đất dự án hiện nay gần như bỏ hoang, cỏ mọc cao gần đến đầu người, xung quanh im ắng, không có công nhân thi công. Dự án khu dân cư Bà Điểm (huyện Hóc Môn) dự kiến hoàn thành cuối năm 2010 nhưng đến nay mới hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, chưa xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.14 dự án tạm ngưngTrong 23 quận huyện trên địa bàn TP (trừ Q.Tân Phú) hiện có 1.108 dự án nhà ở, chiếm hơn 4.087ha đất với số lượng 165.079 căn hộ. Hiện có 212 dự án đã hoàn thành, 896 dự án chưa hoàn thành. Trong số các dự án chưa hoàn thành có 603 dự án đang triển khai, 122 dự án chưa triển khai, 14 dự án tạm ngưng, 157 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư hoặc đang điều chỉnh quy mô. |
Dự án hỗn hợp bãi đậu xe, siêu thị, nhà nghỉ, chung cư tái định cư và văn phòng cho thuê do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư tọa lạc góc ngã tư quốc lộ 50 và đường Nguyễn Văn Linh, khu Nam TP (thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Theo hồ sơ, chủ đầu tư được UBND TP tạm giao 3,1ha đất từ năm 2003 nhưng đến nay mới bồi thường giải phóng mặt bằng 2,1ha. Một phần đất gần đường Nguyễn Văn Linh và hàng chục hộ dân ở mặt tiền quốc lộ 50 hiện chưa được bồi thường. Người dân ở khu vực này cho biết họ chờ chủ đầu tư xây chung cư tái định cư xong mới giao đất. Tòa nhà chung cư tái định cư kết hợp văn phòng cho thuê của dự án đã hoàn thành xong phần móng nhưng hiện rất ít công nhân làm việc. Những hạng mục khác của dự án như bãi đậu xe, siêu thị, nhà nghỉ hoàn toàn chưa được triển khai xây dựng.
Ông Trần Lệnh Phú, tổng giám đốc Công ty 194, cho biết tuy dự án được giao đất từ năm 2003 nhưng phải chờ các cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch chi tiết của khu vực (quy hoạch nút giao thông Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 và quy hoạch chi tiết 1/2.000 của khu vực...). Tháng 2-2012, Công ty 194 xây xong phần móng của tòa nhà và định làm thủ tục vay vốn ngân hàng để xây tiếp nhưng lãi vay ngân hàng lúc này lên đến gần 20%/năm nên công ty không vay vốn và tiến độ công trình trên đã chậm lại. Ông Phú tính: “Giá thành căn hộ chung cư tái định cư khoảng 10 triệu đồng/m2 thì vừa túi tiền của người dân. Nếu như vay vốn với lãi suất 18%/năm, giá thành căn hộ sẽ tăng tương ứng với một năm lãi suất (tức 20%), thành 12 triệu đồng/m2. Như vậy quá cao, người dân tái định cư không kham nổi. Vì vậy phải xây dựng chung cư chậm lại bằng cách sử dụng vốn tự có của công ty để bảo đảm không tăng giá thành căn hộ”.
Cần “hạ cấp” nhà ở
Theo UBND các quận huyện, giá nhà ở tại Tp.HCM tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với thu nhập bình quân của người dân. Số lượng nhà ở cao cấp quá nhiều trong khi thị trường cần nhiều nhà ở bình dân cho người có thu nhập thấp và trung bình. Vì thế, số lượng căn hộ ế nhiều nhưng người dân vẫn không có nhà ở do không đủ tiền mua. Trong khi đó, đoàn khảo sát của Sở Xây dựng TP nhận định hiện có nhiều dự án đang thiếu vốn, chủ đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng do lãi suất cao hoặc không được vay nên chủ đầu tư phải giãn tiến độ xây dựng, hoặc phải tạm ngừng xây dựng. Số lượng người mua nhà giảm, thậm chí có dự án không có người mua nên việc huy động vốn từ khách hàng cũng rất hạn chế.Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng việc chậm tiến độ triển khai các dự án khiến chủ đầu tư không có nhà để giao, làm ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân đã đăng ký mua nhà ở các dự án này. Nhiều khách hàng đã góp vốn mua nhà nhưng dự án chậm triển khai, chậm giao nhà nên dẫn đến khiếu nại chủ đầu tư.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn được điều chỉnh chia nhỏ diện tích căn hộ để kéo giá căn hộ xuống thấp cho phù hợp với túi tiền của người dân có thu nhập trung bình. Cụ thể như chung cư Võ Đình (P.Thới An, Q.12) kiến nghị tăng số lượng, giảm diện tích căn hộ; một chung cư trên đường Bãi Sậy (Q.6) đang xin điều chỉnh số căn hộ từ 144 lên 192 căn; khu cao ốc căn hộ ở đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiểng, Nhà Bè) cũng đang muốn thu nhỏ diện tích từ 60-90m2/căn hộ... Dự án hỗn hợp ở xã Bình Hưng (Bình Chánh) xin chuyển 3.700m2 văn phòng cho thuê thành căn hộ trung bình và thu nhập thấp để dễ bán.
Song song đó, các chủ đầu tư cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý để có thể tiếp tục dự án. Cụ thể: ngân hàng cho các doanh nghiệp bất động sản vay vốn với lãi suất 10-15%/năm như những ngành sản xuất khác, nới lỏng các điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ đối với người dân vay mua nhà. Như vậy, doanh nghiệp dễ dàng bán nhà, thu hồi tiền để tiếp tục đầu tư, quay vòng vốn, trả nợ ngân hàng.
(Theo Tuổi trẻ)
- 143
- By Admin
- 24/09/2012
- 17