• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Hỗ trợ vay ưu đãi để cứu thị trường địa ốc

Đây là vấn đề được các doanh nghiệp địa ốc bàn tới trong buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản và các thành viên Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) do Hiệp hội bất động sản Tp.HCM tổ chức tại Tp.HCM ngày 11/4.

Theo Chủ tịch UBGSTCQG Vũ Viết Ngoạn, buổi đối thoại với các doanh nghiệp nhằm mục đích khảo sát tình hình, tập hợp những vấn đề khó khăn hiện nay để từ đó tìm hướng tháo gỡ cho thị trường.

Tp.HCM: Hỗ trợ vay ưu đãi để cứu thị trường địa ốc | ảnh 1
Một doanh nghiệp địa ốc đang trao đổi với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại buổi đối thoại do Hiệp hội bất động sản Tp.HCM tổ chức tại Tp.HCM ngày 11/4. Ảnh: Kinh Luân

Tại buổi đối thoại này, phần lớn doanh nghiệp địa ốc quan tâm đến việc tìm đầu ra cho thị trường căn hộ vốn đã gần như tê liệt thời gian vừa qua.

Ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, nhận định thị trường bất động sản suy giảm nghiêm trọng trong khoảng bốn năm qua khi chuyển động thị trường gần như bằng phẳng ở các phân khúc căn hộ, khiến nhiều doanh nghiệp đang lao đao trên đống tài sản của mình vì không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Ông Tâm nhận định các doanh nghiệp địa ốc không còn khả năng đóng góp cho nền kinh tế, không tạo ra được việc làm và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thị trường không có tính thanh khoản nên không ngân hàng nào dám cho vay, và do vậy doanh nghiệp địa ốc đang ăn mòn vào tài sản của mình trong bốn năm qua.

Theo ông Tâm, vấn đề quan trọng hiện nay là tạo ra thị trường có người mua nhà, và một khi doanh nghiệp địa ốc bán được hàng sẽ tạo ra việc làm cho ngành xây dựng, xi măng, sắt thép. Do vậy nhà nước nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà như nhiều quốc gia đang làm.

Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình, cũng đồng quan điểm trên, cho rằng thay vì bơm vốn cho doanh nghiệp, nên tài trợ trực tiếp cho người mua nhà, như vậy tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên, doanh nghiệp cũng bớt khó khăn và người dân có nhà để ở.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản đang lâm vào vòng xoáy, và nhà nước có đủ sức cứu thị trường hay không là một vấn đề. Việc giải cứu là một nghệ thuật khi dùng lượng tiền vừa phải để kích thị trường.

Trong động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước thì tín dụng cho bất động sản từ mọi hướng sẽ được nới lỏng. Cụ thể là tín dụng bất động sản được mở với mọi loại hình vay bao gồm vay để mua bán nhà ở đầu tư, để ở; mở cho vay xây dựng bất động sản để bán, để ở.

Tuy vậy, về phía ngân hàng, thay vì chọn cách thức cho các doanh nghiệp bất động sản vay để tiếp tục xây dựng dự án, hoàn tất các công trình dang dở, các ngân hàng lại đang hướng nhiều đến việc hỗ trợ lãi vay cho các đối tượng có nhu cầu mua nhà.

Theo thông tin từ Ngân hàng ANZ Việt Nam, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay mua nhà, với mức ưu đãi nhất hiện nay là 15,5%/năm đối với cá nhân vay mua nhà từ mức 500 triệu đồng trở lên.

So với hai tháng trước, lãi suất thỏa thuận tại ANZ Việt Nam hiện đã giảm 2 điểm phần trăm/năm (mức bình quân khoảng 17 - 17,5%/năm) cho khoản vay mua nhà, vay thế chấp nhà dành cho tất cả các khách hàng nộp hồ sơ vay mới từ nay đến hết 31-5 và giải ngân trước 30-6.

Ngân hàng ACB cũng đã công bố dành 1.000 tỉ đồng cho vay mua nhà, với hạn mức vay trên 70% giá trị tài sản đảm bảo. Lãi suất cho cá nhân vay mua nhà tại ACB là từ 18 - 19%/năm.

Và gần đây nhất là vào hôm qua, khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất huy động, Ngân hàng HSBC cũng công bố giảm thêm 1 điểm phần trăm lãi suất cho đối tượng vay mua nhà, mua xe, tức còn khoảng 17%.

Trong chiều 11/4, BIDV cũng công bố hạ lãi suất cho vay trung hạn, mức giảm là 1,5 điểm phần trăm so với mức trước đây, lãi suất còn 16%/năm. Mức lãi suất này áp dụng chung cho cả lĩnh vực bất động sản.

Nói về chuyện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho rằng liệu pháp cho vay đối với người mua sẽ là cách thức an toàn nhất trong thời điểm này. Vì thường thì ngân hàng sẽ hướng đến những cá nhân có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ tốt, trong khi nếu cho vay thêm đối với các dự án thì chưa biết khi nào thị trường mới ấm lên để doanh nghiệp có tiền trả nợ cho ngân hàng.

Ông Tuấn cho rằng, tại ngân hàng ông, dù đưa tín dụng bất động sản ra khỏi nhóm không khuyến khích thì ngân hàng cũng không dám mạo hiểm cho vay nhiều, vì thực chất, vấn đề hiện tại của ngân hàng chính là thu hồi nợ vay từ lĩnh vực này chứ không phải là cho vay mới.

(Theo TBKTSG)

  • 0
  • By Admin
  • 12/04/2012
  • 17