Tp.HCM: Hiểm họa từ nhà cơi nới
Thót tim vì gác cơi nới
Bạn đọc Ngô Vũ Thụy Anh kể trong sợ hãi: “Tôi có việc vào hẻm 321 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1. Lúc đi ra thì bỗng dưng phần gác của căn nhà đầu hẻm cơi nới vươn ra chiếm không gian hẻm rung rinh, kêu cọt kẹt như muốn đổ sập xuống. Tôi hoảng hồn, chạy vọt ra mà tim đập, chân run. May là căn gác ấy chưa đổ ập xuống đầu tôi, nhưng sợ là nó không thể trụ lại được bao lâu nữa”.
Những căn phòng trên gác cơi nới tại hẻm 120 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp. |
Có mặt tại hẻm này, chúng tôi thấy đây là một dãy phòng trên tầng gác của các hộ dân trong hẻm được cơi nới chiếm trọn khoảng không bên trên hẻm. Vì diện tích nhà quá hẹp nên người dân ở đây đã cơi nới tạm bợ để làm nơi ở, sàn là những mảnh gỗ vụn ghép lại, bao quanh bằng lưới B40 và ốp các mảnh bạt, tấm bìa để che chắn. Những căn gác này dù ọp ẹp nhưng cũng chứa đủ thứ tủ, bàn học và nhiều vật dụng khác. Việc cơi nới thêm nơi ở như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng của người ở mà còn ảnh hưởng đến người lưu thông qua đây nếu có sự cố.
Thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa những cư dân sống trong hẻm với các hộ dân cơi nới gác chiếm dụng không gian hẻm làm phòng ở, do nhiều người trên gác thiếu ý thức hắt nước xuống hoặc phơi đồ phía ngoài căn gác này để nước nhỏ thẳng xuống người đi bên dưới. Cũng vì người sống trong phòng cơi nới thiếu cẩn trọng mà anh Trần Minh Toàn bị một phen hoảng hốt, anh phản ánh: “Tôi chở con trai 4 tuổi đi vào hẻm 329 Nguyễn Trãi (phường 8 quận 5), vừa vào đầu hẻm được vài chục mét bỗng có một vật cứng từ trên rớt xuống làm vai tôi đau nhói và chảy máu. Nhìn xuống thấy đó là một cái tay nắm cửa bị một đứa trẻ ở căn gác cơi nới phía trên làm rớt xuống. Cũng may là rơi vào vai tôi chứ trúng đầu con trai tôi không biết hậu quả ra sao”.
Các hẻm xung quanh khu vực trung tâm TPHCM như 241 Bùi Viện, 88 Cô Bắc, 42 Trần Đình Xu, 182 Đề Thám (quận 1); hay 329 Nguyễn Trãi, 66 Lê Hồng Phong (quận 5)… có rất nhiều nhà cơi nới gác chiếm dụng không gian hẻm kiểu này. Những con hẻm nhỏ mà cả bên trên và bên dưới hẻm đều bị chiếm dụng nên lúc nào cũng tối tăm.
Chỉ có thể vận động sửa sang?
Điều mà cư dân lo lắng là trong mùa mưa bão, các căn gác cơi nới chiếm dụng không gian hẻm này không đảm bảo an toàn. Việc phòng cháy chữa cháy cũng thiếu an toàn vì các căn gác này đều được làm bằng vật dụng dễ cháy trong khi mạng dây điện trong hẻm giăng mắc chằng chịt. Lãnh đạo các phường có nhiều căn gác cơi nới chiếm dụng không gian hẻm cho biết có nắm được thực trạng này nhưng chưa có giải pháp xóa sổ dứt điểm. Hơn nữa, theo Luật Xây dựng, những nhà xây dựng trước ngày 1/7/2004 được phép giữ nguyên trạng nếu nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định, do đó những căn nhà đã cơi nới chiếm không gian hẻm từ trước đó được phép tồn tại, nên chính quyền phường cũng chỉ dừng lại ở khâu vận động chủ nhà gia cố, sửa chữa để đảm bảo an toàn hơn.
Ông Võ Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND phường Cô Giang (quận 1), thừa nhận: “Tất cả những bất lợi do nhà cơi nới chiếm khoảng không hẻm gây ra chúng tôi đều nắm được. Tuy nhiên, là địa bàn có nhiều khu dân cư cũ, việc dẹp bỏ hoàn toàn những căn nhà kiểu này chưa thể làm ngay vì nhiều hộ dân rất khó khăn, diện tích ở nhỏ nên đành phải cơi nới để có chỗ ở. Chúng tôi đang từng bước cùng với các hộ dân khắc phục lại những căn phòng đang xuống cấp”. Theo ông Võ Văn Hai, 3 năm trở lại đây, phường thường xuyên rà soát các nhà có gác cơi nới chiếm hẻm, nếu xuống cấp, phường đề nghị hộ dân tự sửa chữa cho chắc chắn hơn.
Trường hợp hộ thuộc diện khó khăn, phường sẽ quyên góp, vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn phường giúp sửa chữa. Mỗi năm, phường Cô Giang giúp sửa chữa khoảng 5 căn và tiếp tục triển khai mô hình này trong những năm tới nhằm hạn chế tối đa những sự cố do cơi nới chiếm dụng khoảng không trên hẻm gây ra. Với những nhà xây mới, phường tuyệt đối xử lý nếu chủ hộ làm sai giấy phép xây dựng, cơi nới chiếm không gian hẻm. Phường cũng nhắc nhở những hộ dân có gác cơi nới phải chú ý trong sinh hoạt, nếu để bà con phàn nàn làm ảnh hưởng đến việc đi lại của mọi người trong hẻm, phường sẽ có biện pháp xử lý, có thể là buộc tháo dỡ.
Trường hợp hộ thuộc diện khó khăn, phường sẽ quyên góp, vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn phường giúp sửa chữa. Mỗi năm, phường Cô Giang giúp sửa chữa khoảng 5 căn và tiếp tục triển khai mô hình này trong những năm tới nhằm hạn chế tối đa những sự cố do cơi nới chiếm dụng khoảng không trên hẻm gây ra. Với những nhà xây mới, phường tuyệt đối xử lý nếu chủ hộ làm sai giấy phép xây dựng, cơi nới chiếm không gian hẻm. Phường cũng nhắc nhở những hộ dân có gác cơi nới phải chú ý trong sinh hoạt, nếu để bà con phàn nàn làm ảnh hưởng đến việc đi lại của mọi người trong hẻm, phường sẽ có biện pháp xử lý, có thể là buộc tháo dỡ.
Hi vọng với những biện pháp vận động tích cực trên, UBND phường Cô Giang sẽ làm thay đổi bộ mặt của các khu dân cư có nhà cơi nới trong một thời gian tới.
- 236
- By Admin
- 21/09/2013
- 17