• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Gỡ vướng cho thuế đất

Điều này gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho những người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, vì phần lớn các thửa đất nông nghiệp đều có diện tích lớn hơn hạn mức quy định.

Tp.HCM: Gỡ vướng cho thuế đất | ảnh 1

Tháng 3/2010, bà Tố Thị Mai cùng hai người bạn chung mua thửa đất nông nghiệp diện tích 210m2 ở quận 12. Khi bà làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đất ở, được UBND quận 12 chấp thuận nhưng khi làm thủ tục để đóng thuế thì được cơ quan thuế trả lời chờ hướng dẫn với phần 10m2 vượt hạn mức. Chờ hơn 1 năm qua, bà chưa biết đóng như thế nào. Bức xúc, bà đề nghị được nộp tiền cao hơn giá thị trường nhưng cũng không được cơ quan thuế chấp nhận.

Trong khi đó, người dân muốn đóng thuế theo diện tích bằng hạn mức cũng không được vì theo Quyết định 19 của UBND Tp.HCM, khi chuyển mục đích sử dụng đất người dân phải chuyển hết diện tích thửa đất.

Ngày 15/10/2011 UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định 64 về hướng dẫn thu tiền sử dụng đất với việc áp dụng vượt 50% hạn mức đóng gấp 2 lần bảng giá quy định, ngoài ra sẽ tổ chức định giá theo sát giá thị trường. Trường hợp bà Mai, đã liên hệ cơ quan thuế nhưng vẫn chưa được giải quyết vì chưa có hướng dẫn thi hành. Theo thông tin trên báo chí, UBND Tp.HCM sửa đổi theo hướng áp dụng hệ số K=2 với trường hợp hợp thức hóa nhà đất, còn với trường hợp chuyển mục đích thì khi diện tích vượt hạn mức đều phải đóng theo giá thị trường.

Thiết nghĩ, việc đóng thuế từng thửa đất của người dân theo giá thị trường là rất nhiêu khê và phức tạp. Theo Quyết định 64, khi tính giá thuế, UBND quận huyện thuê tổ chức thẩm định giá để ra chứng thư rồi UBND quận huyện tổ chức nghiệm thu chứng thư, sau đó Sở Tài chính thẩm định lại và trình UBND Tp.HCM xem xét. Việc thuê tổ chức nào, lấy cơ sở nào, họp nghiệm thu ra sao, Sở Tài chính họp hoặc tổ chức đi thẩm định lại như thế nào là cả một quá trình phức tạp.

Trong trường hợp quá trình trên có thông suốt thì để giải quyết một bộ hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của người dân cũng hết sức khó khăn. Chắc chắn, khi áp dụng, sẽ phát sinh nhiều phức tạp như trễ hẹn, tiêu cực, không thống nhất trong các khâu… Như trước đây, việc đóng thuế theo bảng giá người dân cũng mất vài tháng, nếu việc thẩm định như trên có khi kéo dài vài năm.

Theo thông tư 93/2011 của Bộ Tài chính, việc thu thuế hộ gia đình cá nhân đối với mỗi địa phương khi bảng giá chưa sát giá thị trường được áp dụng hệ số điều chỉnh. Điều này sẽ phù hợp, khách quan hơn và cũng thuận tiện khi thi hành vì giá thị trường luôn biến động và không có cơ sở để cho là chính xác hoàn toàn. Nếu UBND Tp.HCM lo đưa hệ số K không đồng đều từng khu vực thì có thể áp dụng hệ số K cho mỗi con đường hoặc từng khu vực, từng đoạn đường. Cũng như việc tính giá ôtô làm thuế trước bạ theo loại xe, đời xe chứ không ai tính giá từng xe. Như vậy, văn bản pháp luật mới mang tính đại chúng và đi vào cuộc sống, cũng như việc giảm thủ tục hành chính phức tạp hiện nay cho người dân.

(Theo SGGP)

  • 111
  • By Admin
  • 13/12/2011
  • 17