• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Gian nan việc dời đại học ra ngoại thành

Mới đây, sở Kế hoạch và đầu tư đã trình UBND thành phố hai phương án hỗ trợ di dời các trường đại học. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhiều trường, với cơ chế và chính sách như hiện nay, việc di dời vẫn là bài toán nan giải.

Tp.HCM kẹt xe ngày càng trầm trọng. Ảnh: Từ An

Theo thống kê, hiện ở Tp.HCM có 112 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hoặc tương đương, trong đó có khoảng 50 trường nằm trong kế hoạch di dời của thành phố. Hiện UBND Tp.HCM đã quy hoạch 2.210ha đất tại khu đô thị Tây Bắc để bố trí cho các trường này xây dựng cơ sở mới. Theo kế hoạch, đến năm 2013, việc di dời này phải hoàn tất, tuy nhiên, đến nay, trường đại học nào cũng kêu khó và đòi hỏi phải có lộ trình.

Vướng do đâu?

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, hầu hết đại diện các trường ĐH đều ủng hộ chủ trương này của thành phố. Tuy nhiên, trường nào cũng nêu ra cái khó của việc di dời. Theo bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường ĐH Luật Tp.HCM, hiện nay, việc xây dựng cơ sở vật chất mới của trường tại cù lao Long Phước, quận 9 có tiến độ chậm. Ngay từ năm 2007, trường đã có biên bản thoả thuận với UBND thành phố về việc xây dựng cơ sở mới này. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện, đến nay, việc quy hoạch 1/2000 vẫn chưa được UBND quận 9 thực hiện xong. Bà Quỳ kiến nghị, không nên xoá hết các trường ĐH, CĐ trong nội thành, bởi lẽ, một đô thị phát triển không nên thiếu bóng dáng các trường ĐH. “Trong tổng số 15.000 sinh viên trường ĐH Luật, có 10.000 người là đào tạo sau ĐH, học văn bằng hai. Trong số này, có rất nhiều cán bộ, công chức phải học vào buổi tối, nếu chuyển toàn bộ cơ sở ra ngoại thành, thì làm sao những người này theo học được”, bà Quỳ nói.

Tương tự, chủ trương di dời trường ĐH Kinh tế Tp.HCM đã được bàn cả mười năm nay. Theo ông Phạm Văn Năng, hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ban đầu thành phố giao 70ha tại Long Phước, quận 9 để xây dựng trường ĐH Kinh tế mới, tuy nhiên, sau đó thành phố cắt còn 50ha. Thế nhưng, cho đến nay, thành phố cũng chưa làm xong quy hoạch 1/2000, chưa giải phóng mặt bằng. Còn theo ông Lê Bảo Lâm, hiệu trưởng trường ĐH Mở Tp.HCM, vì trường gặp khó khăn về nguồn thu, nên trường ĐH Mở không biết lấy đâu ra tiền để đầu tư.

Không nên di dời đồng loạt

Nói về hai phương án hỗ trợ tài chính mà sở Kế hoạch và đầu tư Tp.HCM vừa đưa ra, ông Phạm Văn Năng cho rằng, khó có thể thực hiện được đối với các trường công lập, bởi vì, mỗi trường chỉ được vay 300 tỉ đồng từ vốn kích cầu, khoản tiền này không đủ cho việc giải phóng mặt bằng, còn đâu tiền để xây dựng và mua sắm trang thiết bị. “Nếu có cơ chế mạnh, có vốn, có đất sạch, thì cũng phải 15 năm nữa mới thực hiện xong việc di dời”, ông Năng nói. Theo ông Năng, chính cách làm tuỳ hứng của thành phố cũng là nguyên nhân làm cho việc di dời chậm. Khi thành phố bị kẹt xe quá thì thành phố lại đôn đốc, sau đó, đâu lại vào đó. “Thành phố nên lên danh sách các trường thực sự cần di dời để bố trí, ưu tiên, nếu làm chung chung, đồng loạt thì trường nào cũng muốn xí đất, làm sao mà thực hiện được”, ông Năng kiến nghị.

Đồng quan điểm này, hiệu trưởng trường đại học Luật cũng cho rằng, phương án tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đại học ở ngoại thành là thành phố thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho các trường tiến hành xây dựng.

Theo ông Trương Ngọc Ân, phó hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc, nếu thành phố có một chính sách quy hoạch tốt, đồng bộ hệ thống giao thông, hài hoà các dịch vụ, thì dù có ở ngoại thành với hệ thống giao thông được kết nối với khu vực trung tâm, đảm bảo các dịch vụ phục vụ cho đời sống người dân như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… thì sống ở vùng ven vẫn tốt hơn, các thầy cô sẽ sẵn sàng ra ngoại thành sinh sống, làm việc.

Ông Đỗ Quốc Anh, vụ trưởng – giám đốc cơ quan đại diện bộ Giáo dục và đào tạo tại Tp.HCM cho rằng, gần bốn năm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về di dời các trường ĐH ra khu quy hoạch tập trung, nhưng đến nay, chủ trương vẫn còn nằm trên giấy. Ông Anh cũng kiến nghị thành phố nên giữ lại một phần cơ sở của các trường ĐH để làm công tác quốc tế, giảng dạy sau đại học…

Hàn Quốc đã kiên quyết không để các trường đại học và các công sở có nguy cơ làm gia tăng dân số ở trong nội thành cũ của Seoul. Một loạt các thành phố lớn của Trung Quốc cũng tiến hành di chuyển thành công các trường đại học lớn ra bên ngoài như ở Bắc Kinh, Thượng Hải, đặc biệt là các thành phố phía Nam như Quảng Tây, Quảng Châu, Phúc Kiến,… Để thực hiện kế hoạch này các quốc gia đã tiến hành xây dựng nên các thành phố đại học rất hiện đại có sức chứa hàng trăm ngàn sinh viên cùng với một hệ thống dịch vụ rất hoàn hảo đảm bảo cho ít nhất nửa triệu người (sống thường trực và vãng lai) đến sinh sống và làm việc. Một trong số mẫu hình thành công nhất của Trung Quốc là “Quảng Châu đại học thành” (thành phố đại học Quảng Châu), chỉ trong ba năm họ đã xây dựng xong một thành phố đại học hiện đại dành cho 12 trường đại học, hàng chục viện nghiên cứu có sức chứa 150.000 sinh viên với diện tích gần 50km2 và được xây dựng cách trung tâm thành phố Quảng Châu 15km. Chính nhờ những thành phố đại học này mà sức ép lên các trung tâm thành phố lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan được giảm đi một cách rõ rệt.

TS Nguyễn Minh Hoà


(Theo SGTT)

  • 0
  • By Admin
  • 08/11/2010
  • 17