• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Gian nan thu hồi đất

Tp.HCM: Gian nan thu hồi đất | ảnh 1
Khu đất 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, Tp.HCM) có quyết định thu hồi từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được - Ảnh: NGỌC HÀ

Theo kế hoạch, trong năm 2011, Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường Tp.HCM) sẽ thu hồi 37 khu đất trên địa bàn Tp.HCM rộng gần 2.000ha. Trong đó, nhiều lô đất đã có quyết định thu hồi từ năm năm trước nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Đất bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích

Khu đất tại số 538 Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) đang được nhiều nhà đầu tư để mắt do diện tích rộng và vị trí thuận lợi để phát triển. Khu đất này rộng hơn 1,3ha, mặt tiền giáp đường Kinh Dương Vương, hiện chỉ có hội trường và một dãy nhà văn phòng một tầng bỏ trống, phần còn lại cỏ dại mọc um tùm.

Năm 2008, UBND TP cho phép đơn vị quản lý khu đất là Tổng công ty Phân bón miền Nam được chuyển mục đích sử dụng để xây khu thương mại kết hợp chung cư cao tầng. Sau đó, công ty này không thực hiện dự án mà chuyển giao về cho Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường đề xuất thu hồi khu đất vì Tổng công ty Phân bón miền Nam không có nhu cầu sử dụng, UBND TP cũng thống nhất với đề xuất trên.

Trong danh sách nhà, đất phải thu hồi trong năm 2011 có một biệt thự khá đẹp tọa lạc trên khu đất rộng gần 800m2 ở số 76 Sương Nguyệt Anh (P.Bến Thành, Q.1) của Công ty Xuất nhập khẩu y tế TP (Yteco). Yteco được Nhà nước cho thuê khu đất này để làm văn phòng làm việc từ năm 2002 với giá thuê chỉ 25 đồng/m2/năm.

Ngay sau đó, đơn vị này ký hợp đồng cho một công ty khác thuê làm nhà hàng cao cấp với giá 6.600 USD/tháng, thời gian thuê năm năm. Với giá thuê đất “rẻ như cho không”, trong năm năm Yteco thu gần 400.000 USD từ việc cho thuê lại.

Cũng với cách thuê đất của Nhà nước giá rẻ, cho thuê lại để kiếm lời, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn thuê gần 3ha đất của Nhà nước tại phường Linh Trung (Q.Thủ Đức) từ năm 2003. Tuy nhiên, công ty chỉ sử dụng khoảng 450m2 để làm văn phòng. Phần còn lại xây dựng nhà xưởng để cho năm đơn vị khác thuê và góp vốn liên doanh.

Từ năm 2005-2009, công ty thu được hơn 3,7 tỉ đồng từ việc cho thuê kho. Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên - môi trường cuối năm 2010 cho thấy việc liên doanh góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thực chất cũng chỉ là cho thuê kho xưởng. UBND TP ra điều kiện đến tháng 6-2011 công ty phải thanh lý hợp đồng cho thuê kho xưởng và đưa vào hoạt động đúng mục đích, nếu không sẽ bị thu hồi.

Chiêu kéo dài thời gian

Một trong những lô đất đẹp trong danh sách thu hồi của Trung tâm phát triển quỹ đất là mặt bằng 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai (P.2, Q.3). Năm 1996, UBND TP cho Công ty liên doanh PTC-Artkins thuê để xây cao ốc văn phòng cho thuê. Tuy nhiên sau nhiều lần gia hạn, dự án vẫn chưa được triển khai. Năm 2005, liên doanh chấm dứt hoạt động nên UBND TP ra quyết định thu hồi đất.

Sau khi chấm dứt hoạt động được chín tháng, giám đốc của Công ty liên doanh PTC-Artkins làm hợp đồng chuyển nhượng vốn cho Công ty Tân Thành. Công ty Tân Thành xin giấy phép hoạt động văn phòng đại diện và đặt trụ sở cho một công ty con của mình tại địa chỉ 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau đó, Sở Kế hoạch - đầu tư hủy giấy phép hoạt động vì Tân Thành không chứng minh được quyền sử dụng hợp pháp trụ sở trên. Đến nay việc thu hồi mặt bằng này còn dây dưa, vì liên doanh PTC-Artkins không chịu cử đại diện để tổ chức bàn giao lô đất.

Một địa điểm từng bị báo chí nhắc đến nhiều vì những sai phạm là lô đất rộng gần 1,2ha tại P.Trường Thọ (Q.Thủ Đức) do Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng công trình 623 (Meco 623) quản lý. Sau khi cổ phần hóa, Meco 623 được UBND TP cho thuê đất để làm kho bãi, nhà xưởng. Năm 2010, UBND TP có quyết định thu hồi diện tích đất trên vì công ty sử dụng sai mục đích. Sở Tài chính đã hai lần gửi công văn yêu cầu công ty cử người tham gia hội đồng định giá tài sản đầu tư trên đất mới nhận được phúc đáp của công ty. Một nguồn tin cho biết hiện Meco 623 đang khởi kiện UBND TP về quyết định thu hồi đất.

Theo ông Võ Công Lực - phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, khó khăn lớn nhất của việc thu hồi các lô đất trên là việc tính toán giá trị những khoản đầu tư ngoài vốn ngân sách để trả lại cho đơn vị sử dụng đất. Thường thì đơn vị đang sử dụng đất không chấp nhận vì cho rằng giá trị hoàn lại thấp hơn so với giá trị bỏ ra đầu tư. Bên cạnh đó là sự bất hợp tác của các đơn vị sử dụng đất.

Đa số các đơn vị tìm cách giữ lại quyền sử dụng lô đất bằng nhiều cách như kéo dài thời gian phải giao trả đất, hoặc xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng, hoặc chậm cử người tham gia hội đồng định giá trị tài sản đầu tư trên đất... Có vài trường hợp người đang sử dụng đất khởi kiện ra tòa, rồi kháng cáo bản án sơ thẩm. Chính vì những khó khăn này, không ít trường hợp trung tâm tiếp nhận và bắt đầu làm thủ tục thu hồi từ năm 2006, 2007 đến nay vẫn chưa xong.

Ông Lực cũng cho biết trung tâm đang làm các thủ tục phối hợp với UBND Q.3 để tiến hành cưỡng chế thu hồi mặt bằng số 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai. Đối với những mặt bằng khác, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết mà các đơn vị đang quản lý đất cố tình trì hoãn, không hợp tác thì cũng sẽ xin ý kiến của UBND TP để chỉ đạo các địa phương cưỡng chế, thu hồi mặt bằng.

Thu hồi theo quy hoạch nhiều lô đất

UBND Tp.HCM đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất rà soát quỹ đất dọc tuyến đường nối Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông - Tây) và đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Ranh thu hồi giới hạn từ 100-150m tính từ lề đường. Đây cũng là ranh đất mà UBND TP đã giao cho Sở Quy hoạch - kiến trúc lập thiết kế đô thị để tạo cảnh quan cho hai bên tuyến đường này. UBND TP còn giao cho trung tâm 15 lô đất khác thuộc các quận, huyện vùng ven để thu hồi. Theo dự kiến, những lô đất này sau khi thu hồi sẽ được đưa ra bán đấu giá hoặc giao cho các doanh nghiệp đầu tư dự án.

(Theo TTO)

  • 0
  • By Admin
  • 29/03/2011
  • 17