Tp.HCM: Giá nhà giảm, dân vẫn chưa đủ tiền mua
Doanh nghiệp cạn vốn
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các chủ đầu tư BĐS ở Việt Nam hiện nay là việc tìm kiếm nguồn vốn. Điều kiện tín dụng khó khăn đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng cho nhiều chủ đầu tư, những người cần vốn để bắt đầu phát triển dự án.Các biện pháp siết chặt tiền tệ gần đây của Chính phủ để chống lạm phát đã siết chặt thêm tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Việc yêu cầu các tổ chức cho vay trong nước giảm tỷ lệ nợ cho vay trong khu vực "phi sản xuất" xuống mức 22% trong cơ cấu tổng nợ vay vào ngày 30/6 và xuống 16% vào ngày 31/12/2011 đã làm cho nguồn vốn ngày càng hạn hẹp. Hiện nay, các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực BĐS xấp xỉ 20% tổng nợ vay và theo chỉ thị mới, con số này sẽ giảm xuống.
So với cuộc khủng hoảng năm 2008, giai đoạn này dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi thị trường BĐS đã cạn vốn và không còn được “bơm” bởi các gói kích cầu. Hiện số lượng hàng tồn kho của các DN kinh doanh BĐS tại Tp.HCM là rất lớn. Việc đẩy hàng ra thị trường ngày càng khó khăn khiến cho DN bế tắc huy động vốn. Điều này cho thấy tình hình thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều rủi ro. Các chuyên gia nhận định sẽ có nhiều dự án bị hoãn lại do thiếu vốn. Nhưng trong hoàn cảnh này, sẽ có nhiều cơ hội cho người mua, có thể mua được nhiều dự án ở mức giá tốt từ những người bán đang gặp khó khăn.
Người mua chờ “đáy”
Xu hướng giảm giá vẫn đang tiếp tục diễn ra ở phân khúc đất nền và căn hộ cao cấp. Giá hiện tại đã giảm 10 - 20% so với tháng trước, tuy nhiên giao dịch vẫn ảm đạm.Chưa bao giờ, chính sách bán căn hộ lại được ưu ái như giai đoạn này. Dự án The EverRich 2 do Cty CP phát triển BĐS Phát Đạt làm chủ đầu tư vừa giới thiệu ra thị trường chương trình bán căn hộ The EverRich 2 với phương thức thanh toán chia thành 48 đợt trong vòng 48 tháng: đợt 1 trả trước 10%, từ đợt 2 đến đợt 47 chỉ thanh toán 1,3% cho mỗi đợt, đợt 48 thanh toán 30% còn lại. Như vậy, từ tháng thứ 2 đến tháng 47, khách hàng chỉ phải thanh toán cho chủ đầu tư khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Điều nghịch lý là khi càng được “chiều chuộng” thì các khách hàng lại càng tỏ ra thờ ơ với thị trường. Hàng loạt dự án tên tuổi, nổi đình nổi đám một thời như The Vista, Sài Gòn Pearl, Sunrie City, The Everich… trước đây muốn mua rất khó, thì gần đây, chỉ cần lên mạng mở công cụ tìm kiếm là thấy thông tin bán căn hộ các dự án này trải đầy, ngược lại người mua hầu như không có. Với túi tiền bị thắt chặt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc kiếm 2-3 tỷ đồng tiền mặt để mua căn hộ là cực kỳ khó khăn. Làn sóng bán tháo căn hộ đối với những khách hàng lỡ “ôm” nhiều căn hộ cao cấp này đang dần hiện rõ khi lãi vay cao và ngày đáo hạn đang cận kề.
Đối với phân khúc căn hộ trung bình giá từ 11 - 14 triệu đồng/m2, thị trường vẫn khó giảm thêm nữa, vì nếu tính theo đơn giá xây dựng hiện nay thì DN không còn lời. Do thị trường BĐS gặp khó khăn nên nhiều chủ đầu tư phải công bố giá bán sát với giá thành, thậm chí chấp nhận lỗ vốn. Theo các chủ đầu tư, mọi chi phí cho một dự án đều tăng mạnh. Đơn cử như định giá đất theo hướng mới khiến chi phí của dự án tăng lên, chi phí cho bộ máy quản trị cũng tăng. Đặc biệt, chi phí xây dựng chính là thép, xi măng, kể cả các loại vật tư phụ như cát, đất, gạch lót tường... đã tăng rất mạnh khiến giá thành đội lên cao hơn so với năm 2010. Đó là lý do DN khó có thể cắt giảm giá nhà thấp hơn nữa.
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng so với chi phí đầu tư hạ tầng, VLXD tăng giá, giá nhà hiện nay đã khá tốt và khó giảm sâu hơn. Chính vì vậy, đây là lúc khá thích hợp để những người có nhu cầu mua nhà để ở và cả để đầu tư. Hơn nữa, nhận định chung của nhiều chuyên gia BĐS, thời điểm hiện nay giá BĐS tại nhiều dự án đã về vùng hấp dẫn và đang mở ra cơ hội cho người mua. Tuy nhiên, đối với đa phần cán bộ công chức và tầng lớp thu nhập trung bình 5 - 10 triệu đồng/tháng thì mua nhà vẫn là một giấc mơ xa vời. Với giá cả đắt đỏ hiện nay, mức lương này chỉ vừa đủ trả tiền nhà trọ và chi phí chi tiêu hàng ngày. |
(Theo Báo Xây dựng)
- 0
- By Admin
- 28/07/2011
- 17