• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Đường trên cao vẫn chưa định hình

Bốn tuyến đường trên cao của TP thuộc nhóm “siêu giải pháp” nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Tp.HCM. Tuy nhiên, các dự án này lúc “tiến” lúc “lùi” nên đến giờ vẫn chưa định hình.

“Xương sống” bị trục trặc

Theo quy hoạch được duyệt, TPHCM sẽ có 4 tuyến đường trên cao: 1-2-3-4. Tính đến nay, ngoài tuyến số 3 vẫn chưa có nhà đầu tư, các tuyến còn lại đều đã có nhà đầu tư xin nghiên cứu. Trong 4 tuyến đường trên cao, tuyến số 1 giữ vai trò “xương sống” góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trục Bắc – Nam.

Vào cuối năm 2007, UBND TP và Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án này theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tuy nhiên, lấy lý do cần tập trung vốn cho dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, Công ty GS E&C đã chính thức rút khỏi tuyến số 1 vào tháng 2-2009 sau khi đã hoàn tất nghiên cứu chi tiết.

Tiếp theo đó, UBND TP đã giao cho Tập đoàn Tamouth (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) nghiên cứu nhằm tạo động lực để đầu tư các tuyến tiếp theo. Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị Thủ tướng sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư cho tuyến số 1 bằng hình thức và nguồn vốn phù hợp. Tổng mức đầu tư tuyến số 1 ước khoảng 716 triệu USD, tuyến dài khoảng 10,8 km, gồm 4 làn xe.

Hướng tuyến không khả thi

Đối với tuyến số 2 (dài 10,2 km, vốn đầu tư khoảng 10.200 tỉ đồng) hiện tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) đã lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trình UBND TP xem xét. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy hướng tuyến như quy hoạch không có tính khả thi nên nhà đầu tư đã đề xuất hướng tuyến mới.

Theo đó, điểm đầu sẽ là điểm giao với đường trên cao số 1 tại cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thay vì đường Tô Hiến Thành.

Ngày 6-12-2007, Công ty GS E&C và lãnh đạo Sở GTVT TPHCM ký kết biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án tuyến đường trên cao số 1, tuy nhiên đến tháng 2-2009, nhà đầu tư này đã rút lui. Ảnh: T.Thạnh

Sau đó, tuyến đường đi dọc hẻm 656 Cách Mạng Tháng Tám qua đường Bắc Hải vượt qua đường Lý Thường Kiệt, đi theo hẻm số 2 đường Thiên Phước đến ngã tư Âu Cơ – Lạc Long Quân, rẽ sang hẻm 654 Âu Cơ, vượt qua ngã tư Âu Cơ – Lạc Long Quân, đi theo đường Lạc Long Quân đến ngã tư Lạc Long Quân – Ông Ích Khiêm, sau đó đi dọc Công viên Đầm Sen đến ngã ba kênh Tân Hóa – rạch Bàu Trâu, đi dọc rạch Bàu Trâu vượt qua đường Phan Anh và đường Tân Hòa Đông rẽ về đường Chiến Lược, đi dọc đường Chiến Lược đến đường Mã Lò chuyển hướng sang Hương Lộ 2 và kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 1A (đường Vành đai 2).

Sự thay đổi này được cho là sẽ tận dụng được lộ giới của các tuyến đường hiện hữu, tránh “đụng” quy hoạch ga Hòa Hưng của tuyến đường sắt quốc gia, không đi qua các khu dân cư đông đúc nhằm giảm thiểu việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời thuận lợi cho việc tổ chức giao thông tại vị trí đầu tuyến.

Tương tự như tuyến số 2, tuyến số 4 (được giao cho Tổng Công ty Xây dựng số 1 đầu tư, toàn tuyến dài 7,72 km, vốn đầu tư khoảng 13.800 tỉ đồng) cũng bị thay đổi hướng tuyến để tránh ảnh hưởng đến quy hoạch chung của các quận và giảm tiền đền bù giải tỏa.

Theo phương án nhà đầu tư đưa ra, dự án bắt đầu tại nút giao thông đường Vườn Lài – Quốc lộ 1A, đi theo đường Vườn Lài hiện hữu vượt sông Vàm Thuật tại vị trí cách cầu Vàm Thuật trên đường Nguyễn Xí kéo dài khoảng 400 m về phía hạ lưu, đi vào phường 13, quận Bình Thạnh, sau đó vượt rạch Lăng tại hai vị trí để đi vào và ra khỏi phường 5, quận Gò Vấp cắt ngang đường sắt Bắc Nam tại cầu Đen, tuyến đường tiếp tục đi theo hướng đường Phan Chu Trinh, qua chung cư Mỹ Phước, vượt rạch cầu Bông, nhập vào đường Điện Biên Phủ và nối vào tuyến số 1.

Tuyến số 1 và 3 sẽ bị ảnh hưởng

Theo giải trình của UBND TP, sở dĩ dời điểm đầu từ nút giao thông Bình Phước qua nút giao Vườn Lài – Quốc lộ 1A và đi theo hướng tuyến như trên là để tận dụng lộ giới của đường Vườn Lài (quận 12) và đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh).

Theo phương án này, chiều dài tuyến đường cũng ngắn hơn, đồng thời không “chạm” vào đường Đinh Bộ Lĩnh – một trong hai tuyến huyết mạch nối với Quốc lộ 13. Ở phương án tuyến cũ, đường Đinh Bộ Lĩnh sẽ bị chiếm dụng để thi công, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (rộng 13,5 m) không đủ sức cho lượng xe khổng lồ ra – vào cửa ngõ phía Đông TP. Chắc chắn ùn tắc giao thông sẽ xảy ra nghiêm trọng.

Do đó mới đây, UBND TP đã có tờ trình về việc thay đổi hướng tuyến của hai tuyến đường này và hiện đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi đó mới có thể bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, hệ thống đường trên cao liên thông với nhau, vậy nên khi tuyến số 2 và số 4 thay đổi thì tuyến số 1 và số 3 cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Bốn tuyến đường theo quy hoạch

- Tuyến số 1 bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa, theo đường Cộng Hòa – Bùi Thị Xuân – kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè – tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1).

- Tuyến số 2 bắt đầu từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành – Lữ Gia – Bình Thới – Lạc Long Quân – đường số 3 – đường Vành đai 2.

- Tuyến số 3 bắt đầu từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ nối dài – Lê Văn Lương – Nguyễn Văn Linh.

- Tuyến số 4 bắt đầu từ nút giao thông Bình Phước theo Quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn – đường Vườn Lài – Nguyễn Xí – Đinh Bộ Lĩnh – Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1.

Theo NLĐ
  • 0
  • By Admin
  • 01/04/2010
  • 17