• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Doanh nghiệp hững hờ với việc đấu thầu đất "vàng"

Nhiều dự án xin được trả lại

Hiện tại, số khu đất vàng đã có chủ trong 20 khu đất tại Tp.HCM được mang ra đấu thầu chỉ dừng lại ở con số 3. Ba khu đất đó là:  khu 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai; khu Eden (được giới hạn bởi các đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn) và khu đất số 66-68-70 trên đường Lê Thánh Tôn (Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM). Ngoài những khu này, vẫn còn 5 khu nữa hiện đang được triển khai xây dựng kế hoạch đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Thế nhưng, theo quan điểm của một vài chuyên gia, chỉ có 3 khu đất vàng được đấu thầu trong gần 10 năm là chưa hiệu quả và chưa mang tới cho ngân sách nhà nước nguồn thu lớn thông qua đấu thầu. Bên cạnh đó, nếu nhìn lại, chỉ có những nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu những khu đất vàng trên, còn lại vẫn vắng bóng những tập đoàn nước ngoài.

Gần đây nhất, có thể kể đến việc xin trả lại dự án tại khu đất số 164 Đồng Khởi, quận 1 với tổng vốn đầu tư lên đến 7.100 tỷ đồng của liên danh Sumitomo & Development và Hongkong Land, trong khi trước đó đã được chỉ định làm chủ đầu tư. Văn bản thông qua đề nghị về việc xin rút khỏi dự án thuộc khu đất này của Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng đã được UBND Tp.HCM đưa ra.

Dự án đầu tư dịch vụ công cộng và bãi đỗ xe ở khu vực sân vận động Hoa Lư, quận 1 cũng đã được Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - Indochina Group xin trả lại trước đó. Cũng nằm tại quận 1, một khu đất thuộc công viên Tao Đàn cũng được TP quy hoạch phát triển thành trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ngầm cũng đã được xin trả lại bởi một doanh nghiệp do không đủ năng lực tài chính để tiếp tục dự án. Hiện để tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư cho khu đất vàng trên, các thủ tục pháp lý liên quan cũng đang được Tp.HCM thực hiện để tiếp tục đấu thầu.

đấu thầu đất
Những thủ tục nhiêu khê khiến phần lớn nhà đầu tư chùn bước khi tham gia đấu thầu

Sự chậm trễ của việc đấu thầu những khu đất vàng cũng là do các nhà đầu tư chưa mấy hào hứng với việc tham gia và e ngại trước nguồn vốn quá lớn phải bỏ ra trong giai đoạn đền bù giải toả những hộ dân trong khu vực trung tâm này.

Thêm một lý do nữa, việc xin trả lại dự án đất vàng đã thắng thầu từ những năm trước của các chủ đầu tư cũng xuất phát từ việc đánh giá được tỷ suất lợi nhuận trên thị trường địa ốc. Họ nhận thấy rằng, mức lợi nhuận đó sẽ không được như những gì đã kỳ vọng. 

Bên cạnh đó, với mức giá BĐS thuộc vào hàng nhất nhì thế giới như hiện nay của Hà Nội và Tp.HCM, nhà đầu tư luôn cẩn trọng và kỹ lưỡng trong việc  tính toán để đạt được mục tiêu cũng không quá khó hiểu. Việc trả lại dự án của họ âu cũng là lẽ thông thường.

Thủ tục rắc rối

Về lý do của sự thiếu mặn mà với việc đấu thầu này, phần đông các nhà đầu tư đều cho rằng, khó khăn lớn nhất của mọi dự án đầu tư hạ tâng đó là công tác đền bù giải toả. Với những khu đất "vàng" tại trung tâm TP hiện nay thì công tác còn gặp nhiều trắc trở hơn khi mất quá nhiều thời gian cho việc thống nhất trong phương án tái định cư hay giá đền bù.

Một nhà đầu tư giấu tên cho rằng: “Tôi còn được biết có nhiều tập đoàn đầu tư lớn trên thế giới đã bỏ cuộc mặc dù điều kiện tài chính của họ rất cao. Do chúng ta đã đặt ra quá nhiều tiêu chí rườm rà, thủ tục vượt xa khả năng của họ. Còn có những tiêu chí hết sức phức tạp nên có nhiều công ty nước ngoài liên danh với các công ty trong nước để dễ dàng giải quyết các thủ tục này".

Vị này cũng cho biết, dù giá của những khu đất vàng này không hề rẻ, nhưng kể cả đã trúng thầu, nhà đầu tư phải theo quy hoach của TP chứ không được thực hiện dự án theo ý muốn. Có thể lấy ví dụ như, nhà thầu muốn xây dựng tại khu đất vàng một trung tâm thương mại cao 20 tầng, song số tầng tối đa được TP cho phép chỉ là 15 tầng. Hoặc một quy định nữa của TP cũng khiến các nhà đầu tư "đau đầu" đó là việc không được phép đầu tư dự án lớn tại một vị trí khác ở Tp.HCM nếu đã trúng thầu một dự án trước đó.

Nếu vừa muốn tạo được lợi nhuận cho nhà đầu tư, vừa tạo hiệu quả kinh tế cho TP, phía chính quyền địa phương cần phải đưa ra các tiêu chí rõ ràng  cho nhà thầu khi muốn tham gia đầu tư các khu đất vàng. Danh sách những khu đất đó cũng rất cần được công khai cụ thể trên phương tiện truyền thông đại chúng để mọi tầng lớp nhân dân đều nắm được. Những gì càng công khai sẽ càng hạn chế tính nhạy cảm.

Bên cạnh các Sở, ban ngành của TP, những thành viên còn lại trong hội đồng đấu thầu nên thuộc các thành phần khác có vị trí độc lập. Có thể là những nhà xã hội học, dân tộc học, kiến trúc, lịch sử học nhưng không thuộc ban ngành của Nhà nước.

  • 0
  • By Admin
  • 13/08/2015
  • 17