Tp.HCM: Doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận tín dụng ưu đãi
Ngay sau khi được cấp phép hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay, các ngân hàng thương mại đều đã đua nhau công bố triển khai các gói tín dụng ưu đãi. Cụ thể, Ngân hàng VIB công bố tung ra thị trường 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn mức bình thường 1,5%/năm; VPBank cũng dành 5.000 tỷ đồng trong 6 tháng để cho vay với mức lãi suất mềm; ACB công bố dành khoản hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với mức lãi suất giảm 1,5%/năm…Đặc biệt, khi ông Lê Quốc Nam, Giám đốc Sản phẩm tín dụng cá nhân của ACB thông tin: Ngoài giảm lãi suất, ACB còn có chương trình “Tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” dành cho người có nguồn thu nhập ổn định từ lương vay mua nhà hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất giảm thêm đến 1%/năm. Tiền mặt dồi dào đến mức ACB còn quyết định nâng hạn mức cho vay tín chấp với các khoản vay hỗ trợ tiêu dùng và cho vay thấu chi lên 500 triệu đồng thay vì hạn mức cũ là 300 triệu đồng.
Bị ngân hàng ngưng rót vốn giữa chừng, dự án này buộc phải ngưng thi công. |
Kể từ đầu tháng 3 vừa qua, ACB đã dành 1.000 tỷ đồng để cho DN vừa và nhỏ vay tái cấu trúc theo hình thức cho vay trả góp trung, dài hạn với nhiều tiện ích ưu đãi như: Hạn mức cho vay đối với một khách hàng lên đến 50 tỷ đồng; thời hạn cho vay lên đến 60 tháng… những thông tin trên khiến nhiều chủ dự án bất động sản (BĐS), người mua nhà háo hức chờ đợi có thể tiếp cận vốn từ ngân hàng.
Song thực tế để vay được vốn ngân hàng thời điểm này là không dễ, đó là chưa kể mức lãi suất hiện tại không phải chủ dự án, người mua nhà nào cũng có thể gánh nổi: Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu đãi hiện vẫn ở mức 14,5 - 16%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất lên đến 20 -25%/năm...
Theo bà Tô Thị Ngọc Thùy, Giám đốc điều hành dự án trung tâm thương mại và căn hộ Bình Tây, dự án được khởi công với mức vốn đầu tư khoảng 750 tỷ đồng, phần lớn trong số này được một ngân hàng cam kết cho vay. Tuy nhiên, khi dự án vào giai đoạn hoàn thiện, chủ trương thắt chặt tín dụng BĐS đã khiến ngân hàng bảo trợ vốn ngưng rót tiếp tiền.
Dự án ngưng trệ, chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ cho người mua đã cả năm trời nên khách hàng cũ không chịu tiếp tục nộp tiền. Để hoàn thành dự án, chủ đầu tư chỉ cần thêm khoảng 120 tỷ đồng nhưng hơn 1 năm qua không thể xoay xở đâu ra. Thậm chí giá bán căn hộ cũng đã được chủ dự án giảm xuống còn một nửa so với trước cũng không thể bán được. Hiện tại, chủ dự án chỉ còn biết vừa huy động nguồn ứng trước từ các nhà thầu, vừa chờ đợi ngân hàng rót tiếp tiền như đã cam kết.
Về phía nhà đầu tư, anh Võ Ngọc Dũng, một người dân ở quận 9 cho biết, cuối năm 2011 thời điểm chủ các dự án căn hộ đồng loạt hạ giá bán để xả hàng, vợ chồng anh gom góp và vay thêm ngân hàng 600 triệu đồng để mua một căn hộ chung cư với hy vọng chờ giá lên sẽ bán. Lãi đâu chưa thấy, chỉ biết hiện tại riêng tiền lãi phải trả mỗi tháng đã hết 13 triệu đồng.
“Lãi suất hiện đã giảm so với lúc vay, nhưng tôi vẫn phải gánh mức cũ, đại diện phía ngân hàng cho biết phải đáo hạn xong mới có thể được giảm. Song chưa biết đến lúc đáo hạn có được cho vay tiếp không”, anh Dũng băn khoăn.
Không thể thụ động chờ đợi cơ chế hỗ trợ DN BĐS tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý; phân loại cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm khai thông nguồn vốn, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Để tự cứu mình, các chủ dự án BĐS đã triển khai nhiều giải pháp như giảm giá, xả hàng…
Bà Huỳnh Kim Đoan, Giám đốc Công ty Eden Real cho biết: Khát vốn nên trong “Tuần lễ an cư” vừa được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, các chủ đầu tư đã đồng loạt tham gia “xả” hàng, mở bán trên 20 dự án căn hộ đã hoàn thiện, sẵn sàng giao nhà ngay với nhiều chính sách đặc biệt hấp dẫn. Hầu hết các chủ đầu tư đều công bố chính sách thanh toán 50% giá trị căn hộ, phần còn lại trả góp trong vòng 1 đến 2 năm với mức lãi suất được hỗ trợ. Với các dự án đất nền, giá chuyển nhượng và tiến độ thanh toán cũng được chào bán khá hấp dẫn.
Ngoài ra còn có hơn 1.000 căn nhà phố và đất nền dự án được đưa ra chào bán với giá được cho là “xả” hàng để DN, nhà đầu tư thu hồi một phần vốn. “Đây chỉ là giải pháp các chủ dự án BĐS giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, các DN BĐS vẫn đang trông chờ vào việc khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng”, bà Đoan chia sẻ
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 10/04/2012
- 17