Tp.HCM: Điều chỉnh dự án đường trên cao do NĐT xin rút khỏi dự án
Tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tp.HCM cho biết, đến thời điểm này thành phố vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thay thế sau khi Công ty GS E&C (Hàn Quốc) rút khỏi dự án xây dựng tuyến số 1 và một tập đoàn khác của Malaysia từ bỏ ý định đầu tư xây dựng tuyến số 2, cho dù trước đó đã được UBND Thành phố chấp thuận cho đầu tư.Hướng tuyến 4 tuyến đường trên cao tại Tp.HCM - Đồ họa: Thu Trang |
Đối với tuyến số 2, tập đoàn của Malaysia đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi và nhận thấy tính khả thi không cao do vướng mắc liên quan đến quy hoạch ga Hòa Hưng của tuyến đường sắt quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, tuyến này còn đi qua nhiều khu dân cư, bề rộng đường nhỏ và quy hoạch lộ giới không đủ để xây dựng đường trên cao. Nếu thực hiện chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ rất cao nên họ xin rút khỏi dự án. Vấn đề chi phí giải phóng mặt bằng cao cũng là nguyên nhân chính khiến GS E&C rút lui khỏi tuyến số 1 cũng như khả năng tìm kiếm nhà đầu tư cho tuyến số 3.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã giao cho Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bách Khoa lập dự án đầu tư tuyến số 1. Dự kiến, đến cuối năm 2011 đơn vị này sẽ báo cáo cuối kỳ dự án này.
Ông Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bách Khoa cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, sau khi nhà đầu tư rút khỏi, dự án tuyến số 2 cũng được giao luôn cho công ty ông nghiên cứu, điều chỉnh. Đến nay, việc điều chỉnh hướng tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư để khởi công.
Còn với tuyến số 4, dù đã được Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) nhận đầu tư, nhưng hiện tại đơn vị này cũng đang loay hoay điều chỉnh hướng tuyến. Theo CC1, tuyến số 4, theo phương án đã được duyệt, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc nên chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khá cao ( 4.557 tỉ đồng), phương án thi công cũng rất khó. Bên cạnh đó hướng tuyến này ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch của các quận. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch đang phải chờ ý kiến từ Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Theo một số nhà đầu tư nhận định, hướng tuyến các đường trên cao đi qua đều nằm trong các khu dân cư, vấn đề giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, chi phí rất lớn. Đó là chưa kể đến các hình thức đầu tư hiện nay như BOT, BT rất khó triển khai vì phải lập hệ thống thu phí dày đặc tại thành phố. Hơn nữa, quỹ đất của thành phố cũng không còn để triển khai theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, nên các nhà đầu tư không mặn mà.
Theo quy hoạch 4 tuyến đường trên cao tại Tp.HCM gồm: - Tuyến số 1: từ nút giao Cộng Hoà theo đường Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. - Tuyến số 2: từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường vành đai 2.- Tuyến số 3: từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh. - Tuyến số 4: từ nút giao thông Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1. |
(Theo TBKTSG)
- 128
- By Admin
- 06/10/2011
- 17