Tp.HCM: Đầu tư liên kết để phát triển vật liệu xây dựng "xanh"
Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP sẽ xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư liên kết vùng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) tại Tp.HCM có cơ hội đầu tư phát triển trong lĩnh vực VLXD tại các tỉnh, khi thực hiện di dời theo quy hoạch; trao đổi, giới thiệu các công nghệ sản xuất VLXD hiện đại, sản phẩm VLXD mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng.
Khách hàng tìm hiểu VLXD “xanh” tại Hội chợ Vietbuild được tổ chức tại Tp.HCM |
Xác định nguồn cung ứng VLXD
Nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD của Tp.HCM rất hạn chế về chủng loại. Phần lớn các mỏ khoáng sản có trữ lượng nhỏ, nhiều mỏ khoáng sản nằm trong khu vực dân cư, đô thị, thuộc vùng cấm hoạt động khai thác. Bên cạnh đó, quỹ đất của các khu công nghiệp TP còn lại rất ít, chi phí thuê đất cao, khó hiệu quả trong đầu tư phát triển sản xuất VLXD. Do đó, quy hoạch phát triển VLXD Tp.HCM đến năm 2020 đã định hướng không khai thác tài nguyên khoáng sản sản xuất VLXD (đất, cát, đá, xi măng, gạch…) trên địa bàn TP.
Đến năm 2020, TP phải hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng ra khỏi TP đến các địa phương khác có quy hoạch phù hợp; di dời các cơ sở sản xuất VLXD khác nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ra khỏi TP đến các địa phương khác có quy hoạch phù hợp hoặc vào các khu công nghiệp của TP. Chính vì thế, việc xây dựng chương trình này là vấn đề cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, các đối tượng khảo sát, thu thập thông tin của chương trình bao gồm: các mỏ khoáng sản làm VLXD; loại VLXD tiêu biểu, thế mạnh sản xuất và tiêu thụ của các tỉnh; các khu công nghiệp, khu kinh tế của các tỉnh có thu hút sản xuất VLXD; các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư khai thác, sản xuất VLXD, điều kiện tham gia đầu tư, sản xuất VLXD trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo đề cương chương trình được duyệt, Sở Xây dựng TP sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và một số DN hoạt động trong lĩnh vực VLXD của 7 tỉnh thuộc Vùng Tp.HCM: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang để khảo sát thông tin. Từ đó, đưa ra danh sách: các mỏ khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD của các tỉnh được phép khai thác; các loại VLXD tiêu biểu là thế mạnh của các tỉnh; các khu công nghiệp, khu kinh tế của các tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp sản xuất VLXD và tổng hợp các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư khai thác, sản xuất VLXD, điều kiện tham gia đầu tư, sản xuất VLXD trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của các tỉnh.
Theo đó, TP sẽ xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư liên kết vùng nhằm tạo điều kiện cho các DN TP có cơ hội đầu tư phát triển trong lĩnh vực VLXD tại các tỉnh, khi thực hiện di dời theo quy hoạch; xác định nguồn cung ứng VLXD của TP; trao đổi, giới thiệu các công nghệ sản xuất VLXD hiện đại, sản phẩm VLXD mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng.
Điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD
Với mục tiêu phát triển VLXD của Tp.HCM trở thành ngành công nghiệp hiện đại với dây chuyền công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt chất lượng cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao, Quy hoạch phát triển VLXD Tp.HCM cũng đã đề ra các mục tiêu: loại bỏ hoặc chuyển đổi các cơ sở sản xuất VLXD có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp trên địa bàn TP; tập trung các cơ sở sản xuất VLXD vào khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển sản xuất và đảm bảo về môi trường…
Trong khi đó, hiện nay Tp.HCM vẫn chưa có số liệu chuẩn xác về các cơ sở sản xuất VLXD thực tế đang hoạt động trên địa bàn TP; không có các thông tin, số liệu về công nghệ, môi trường của các cơ sở sản xuất VLXD để làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu nêu trên. Chính vì thế, UBND Tp.HCM cũng vừa có quyết định phê duyệt đề cương chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn do Sở Xây dựng lập.
Chương trình này sẽ xác định chính xác số lượng các cơ sở sản xuất VLXD đang hoạt động trên địa bàn TP; phân loại các cơ sở sản xuất VLXD, các nhà máy, trạm nghiền xi măng trên địa bàn thành phố về môi trường, trình độ công nghệ và hiệu quả kinh tế, qua đó, xác định các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế thấp phải di dời, xóa bỏ hoặc phải xây dựng và thực hiện phương án hoàn thiện công nghệ, xử lý môi trường; các cơ sở sản xuất các sản phẩm VLXD thành phố định hướng phát triển. Chương trình này sẽ được thực hiện từ nay cho tới năm 2014.
Nguồn kinh phí thực hiện 2 chương trình trên từ ngân sách TP và các nguồn khác.
- 197
- By Admin
- 04/03/2013
- 17