• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Đầu năm, thị trường BĐS hẩm hiu

Các khu “chợ” địa ốc tại Tp.HCM như đường Trần Não (quận 2), Phú Mỹ Hưng (quận 7), quận 9… các sàn giao dịch, trung tâm môi giới bất động sản không có một khách hàng đến giao dịch.

“Chợ chiều” căn hộ chung cư

Thông thường, đầu năm là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản do nhiều người chọn kênh đầu tư này để gieo lộc. Tuy nhiên năm nay, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư tại nhiều doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản, tình hình thị trường khá yên ắng. Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real cho biết, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp nào cũng lên kế hoạch kinh doanh, bán hàng cho những ngày đầu năm, nhưng đã phải thay đổi kế hoạch do thị trường quá trầm lắng.

Tại sàn giao dịch bất động sản Đại Trạch trong khu đô thị An Phú (quận 2), các nhân viên của sàn này chỉ ngồi đọc báo. Chị Tuyết, nhân viên môi giới của sàn này, cho biết, chỉ khai trương lấy ngày, chứ không buôn bán được gì. Còn sàn địa ốc trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) cả ngày cũng không có bóng dáng khách hàng. Những nhân viên ở đây hy vọng, 1 - 2 tháng nữa khách hàng có thể đưa ra quyết định mua bán.

Tp.HCM: Đầu năm, thị trường BĐS hẩm hiu | 1
Nếu không cho sở hữu nhà chung cư vĩnh viễn, người dân không dám mua căn hộ, thị trường nhà đất hẩm hiu dài dài. Ảnh: Đ.Sơn.

Anh Nguyễn Tuấn, một luật sư đang làm việc tại Tp.HCM cho biết, sau thời gian làm việc, anh tích góp được 500 triệu đồng, dự kiến đầu năm nay sẽ mua một căn hộ tại quận Tân Phú, với giá hơn 1 tỷ đồng có sự hỗ trợ vay vốn của chủ đầu tư. Tuy nhiên, cách đây vài hôm, khi mang tiền đến nộp, anh được nhân viên tư vấn của doanh nghiệp cho biết, anh được vay tiền mua nhà với lãi suất hơn 18%/năm. Nhẩm tính thấy mức lãi suất phải trả hàng tháng quá cao, vượt khả năng chi trả, anh Tuấn đành phải dừng kế hoạch mua nhà.

“Tôi đã gửi số tiền trên vào một ngân hàng, với lãi suất 15,8%/năm. Tính ra mỗi tháng, tôi cũng có được trên dưới 6 triệu đồng tiền lãi”, anh Tuấn nói và cho biết, đây là phương án tốt nhất trong thời điểm này, chờ đến khi tích góp thêm tiền, lãi suất vay giảm, thì anh sẽ tính đến chuyện mua nhà.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết, qua thăm dò cho thấy,  trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường vẫn sẽ ảm đạm. Tranh thủ thời gian này, công ty đẩy mạnh công tác tìm khách hàng, thương thảo các hợp đồng để lấy căn hộ về bán. Đến khi thị trường hồi phục, công ty mới bung hàng ”, ông Thanh tính toán.

Các doanh nghiệp địa ốc khác đều có chung nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2011, thị trường bất động sản khu vực phía Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Bởi lãi suất quá cao, nền kinh tế chưa ổn định, đặc biệt là các chính sách vĩ mô chưa rõ ràng.

"Bản chất của dòng tiền lưu thông trong thị trường bất động sản lâu nay đều có sự trợ giúp từ vốn ngân hàng. Vì vậy, lãi suất ngân hàng tăng cao đã gây khó cho cả đầu vào và đầu ra của thị trường. Doanh nghiệp thì không dám vay (hoặc vay không được) để đầu tư, còn người tiêu dùng cũng không dám vay tiền để mua nhà, vì lãi suất quá cao”, ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Phúc Đức phân tích.

Ngoài lãi suất ngân hàng, theo ông Chúc, thị trường bất động sản Tp.HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn khác, trong đó có đề xuất của Bộ Xây dựng về việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn, khi hết hạn định sẽ phải trả lại nhà. “Dù chưa đưa ra những quy định cụ thể, song thông tin này đang tạo ra tâm lý hoang mang không chỉ cho những người đang có ý định mua nhà chung cư, mà cả các doanh nghiệp có dự án đầu tư căn hộ”, ông Chúc nói và phân tích, thay vì mua một căn penthouse với mức giá 5-7 tỷ đồng, nhưng 50-70 năm sau phải trả lại, người dân sẽ dùng số tiền này để mua một lô đất, xây một ngôi nhà khá khang trang và sở hữu vĩnh viễn.

Còn ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải thì cho rằng, nếu không có giải pháp hạ nhiệt lãi suất, thì thị trường bất động sản sẽ khó có cơ hội sáng sủa hơn và người tiêu dùng khó mua được nhà giá thấp. Khi doanh nghiệp vay vốn để đầu tư với lãi suất cao, thì phần chi phí này đương nhiên sẽ được hạch toán vào chí phí đầu ra của sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh chịu.

Giá bán nếu giảm 50% thì sẽ mua

Anh Dũng, một nhà đầu tư tại Tp.HCM hiến kế, cũng có thể thực hiện sở hữu chung cư có thời hạn, áp dụng ở trung tâm các thành phố lớn. Giá bán của những dự án này phải rẻ hơn nhiều so với căn hộ cùng loại được sở hữu vĩnh viễn. “Thay vì bắt khách trả tiền một lần, các chủ đầu tư nên thu làm nhiều năm, như kiểu cho thuê nhà dài hạn”, anh Dũng đề xuất.

Anh Hùng Trí, ở quận 8 Tp.HCM, cho rằng, nếu quy định được áp dụng, mà giá nhà giảm khoảng 50% so với hiện nay, anh sẽ mua căn hộ để ở. Nếu không thì đi thuê nhà ở trọ tốt hơn.

Ông Ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc công ty phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng khi Nhà nước có chính sách phát triển phân khúc căn hộ cho thuê. Điều ái ngại là hiện những chính sách liên quan đến vấn đề này không có. Cả chính sách cho thuê đất cũng chưa, nên doanh nghiệp muốn làm phải mua và đóng tiên đất 100%, rất nặng. Trong khi giá đất chiếm đến 50 - 60% giá trị dự án, khiến doanh nghiệp… đuối. Thay vì xây căn hộ cho thuê phải bỏ một cục tiền lớn để thu về bạc cắc thì doanh nghiệp có thể xây chung cư để bán, thu hồi vốn nhanh hơn.

Ông Hiếu cũng kiến nghị, muốn phát triển phân khúc căn hộ cho thuê, phải làm ở khu vực ngoại thành. Nhưng hệ thống hạ tầng kèm theo phải đồng bộ, nối với khu trung tâm, phải có hệ thống giao thông công cộng, việc làm, dịch vụ… đi đôi.


(Theo Đất Việt, ĐT)


  • 0
  • By Admin
  • 17/02/2011
  • 17