• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Dân "khóc dở" vì chính quyền...không thèm thu thuế

Nhiều hộ dân muốn đóng thuế để lấy sổ, lấy đất làm ăn nhưng đành chịu, họ không biết xoay xở ra sao trước sự chậm trễ này.

Chết vốn, lâm nợ

Tp.HCM: Dân "khóc dở" vì chính quyền...không thèm thu thuế | ảnh 1
Nhiều khu đất nông nghiệp tại Bình Chánh không chuyển đổi được mục đích sử dụng đành bỏ hoang. Ảnh: V. Nguyên

Tháng 6.2009, ông Nguyễn Văn Tri, ngụ tại khu phố Mỹ Thành, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 mua một miếng đất thổ vườn 900m2 tại phường Tăng Nhơn Phú A. Miếng đất ông mua phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Sau hơn ba tháng hoàn thành các thủ tục mua bán, ông Tri nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại phòng tài nguyên và môi trường Q.9.

Chờ mãi không thấy kết quả, ông Tri lên hỏi mới vỡ lẽ: theo hạn mức, cơ quan thuế chỉ có thể tính thuế cho ông chuyển mục đích sử dụng đất 200m2, số đất dôi ra còn lại hiện cơ quan thuế đang phải đợi cấp trên hướng dẫn thu tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Thế nhưng khi nào có hướng dẫn để ông Tri được đóng thuế, cơ quan thuế quận 9 cũng bó tay. Hồ sơ của ông Tri đã bị tắc đến nay hơn hai năm. Vốn bị chôn ở đất và ý định của ông Tri là tách cho con một phần để xây dựng nhà ở cũng bất thành. Khốn khổ hơn, đã lỡ nhận tiền đặt cọc của người khác khi tính bán một phần của miếng đất, nay ông Tri không làm được sổ nên bị thưa kiện…

Bi kịch hơn là trường hợp ông Khánh Thu, ngụ tại phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9. Năm 2010, ông Thu nhận chuyển nhượng miếng đất 1.000m2 trong tổng diện tích 2.200m2 của chủ đất. Do sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng vay 7 tỉ đồng nên ông Thu chấp nhận trả thay cho chủ đất số nợ trên để lấy sổ đỏ về làm thủ tục tách thửa. Mọi thủ tục đã thực hiện xong, ông Thu không thể đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất vì phải chờ hướng dẫn mới. Năm qua, ông Thu phải è cổ vật lộn với khoản nợ đã vay để đưa cho chủ đất, trong khi đất của mình mua thì chôn một chỗ.

Điệp khúc chờ

Đại diện của chi cục thuế Quận 9 cho biết, sở dĩ có vướng mắc trên là vì điều 11 nghị định 69 quy định: “Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (không thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu dự án, cho thuê đất…) chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế để xác định lại giá đất cho phù hợp…” Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn hoặc thông báo nào cụ thể hoá quy định trên, nên cơ quan thuế phải chờ UBND thành phố ban hành bảng giá đất mới theo giá thị trường. Lúc đó mới tính thuế cho dân được. Tại quận 9, lượng hồ sơ chuyển mục đích của người dân bị tắc do quy định này rất nhiều, không thể thống kê nổi!

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Vân, phó phòng quản lý đất đai cục Thuế TP.HCM, giải thích: việc thành phố chậm ban hành giá đất do bộ Tài chính chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 120 của Chính phủ, ban hành năm 2010 – sửa đổi, bổ sung nghị định 198 năm 2004 – về thu tiền sử dụng đất. Thông tư hướng dẫn này còn đang được dự thảo, xin ý kiến địa phương và bộ ngành. Bà Vân cũng cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 3.000 hồ sơ nhà đất chờ đóng thuế chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất theo nghị định 69.

Tính thuế theo giá thị trường

Dân khó bảo vệ quyền lợi
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn luật sư TP.HCM: trong trường hợp các cơ quan nhà nước chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật gây thiệt hại cho người dân thì người dân có thể khởi kiện ra toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu: xác định được đối tượng để khởi kiện; chứng minh được thiệt hại; xác định được quan hệ pháp luật là hành chính hay dân sự. Nếu là một vụ kiện hành chính thì phải xác định rõ cơ quan ban hành văn bản, thẩm quyền, nội dung của văn bản đã ảnh hưởng tới lợi ích của mình như thế nào… Nếu là vụ kiện dân sự thì phải xác định được cơ quan nào gây thiệt hại để yêu cầu cơ quan đó bồi thường.
Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, những vướng mắc nêu trên không chỉ diễn ra tại quận 9 mà còn diễn ra tại khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các quận huyện ngoại thành có lượng đất nông nghiệp còn lớn.

Hiện rất nhiều người dân bị vướng vào tình cảnh này đang lo ngại bảng giá đất mới theo giá thị trường khi ra đời thế nào, có gây khó cho dân hay không? Thạc sĩ Nguyễn Trần Thực, giảng viên trường cao đẳng Công thương TP.HCM đặt vấn đề: Nhà nước căn cứ vào đâu để xác định giá thị trường? Bởi thực tế, trên một đoạn đường đã có năm loại bảy giá khác nhau. Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính thương mại, địa hình, phong thuỷ, độ cao thấp của miếng đất… do vậy, sẽ không có cơ sở nào chính xác để có thể làm căn cứ xác định ra một loại giá để áp dụng chung.

Mặt khác, việc thẩm định giá hiện nay chủ yếu là do nhiều đơn vị thẩm định nhưng mỗi đơn vị thẩm định lại có kết quả khác nhau.

Theo ông Thực, phương án tốt nhất để tính thuế khi chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng nhà đất là vẫn căn cứ vào bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Càng hợp lý hơn khi đây là bảng giá đất Nhà nước sẽ áp dụng để bồi thường cho dân khi thu hồi đất. Do đó, căn cứ vào bảng giá đất này để tính thuế mới tạo ra sự công bằng cho người sử dụng đất.


(Theo SGTT)

  • 140
  • By Admin
  • 27/05/2011
  • 17