• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Dân khổ vì chính quyền “nhát” tay?

Mỏi mòn chờ giấy chủ quyền

Người dân tại các quận 2, quận 7, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú… phản ánh họ mua đất tại các dự án phân lô hộ lẻ cả chục năm nay, có nhiều trường hợp xây dựng nhà để ở rồi nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền về nhà - đất.

Cụ thể, bà Nguyễn Ngọc M., ngụ tại quận 3, cho biết bà mua đất tại dự án nhà phân lô tại quận 7 từ năm 2002, đến nay bà đã đóng 90% số tiền, 10% còn lại sẽ đóng nốt sau khi nhận giấy chủ quyền nhưng 9 năm nay vẫn chưa có giấy chủ quyền. Ông Lê Minh H., cư ngụ tại quận 5 cũng cho biết, ông mua đất tại một khu dân cư tại phường 17 quận Bình Thạnh nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chủ quyền. Theo quy định, các dự án phân lô hộ lẻ trước đây (thực hiện thí điểm theo chủ trương của TP từ năm 1999-2002- PV), chủ đầu tư phải hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật thì mới được cấp giấy chủ quyền nhà - đất. Thế nhưng đến nay, nhiều chủ đầu tư chỉ làm hạ tầng sơ sài, không thực hiện theo quy chuẩn. Không ít chủ đầu tư chây ỳ không xây dựng hạ tầng như đã cam kết, thậm chí có nhiều chủ đầu tư đã “lặn mất tăm”. Bao năm qua, việc xử lý các dự án phân lô hộ lẻ này vẫn chưa đến đâu nên hàng trăm giấy chủ quyền nhà – đất của người dân vẫn bị “treo”.

Theo Sở Xây dựng TP, các dự án phân lô hộ lẻ của cá nhân chủ yếu tập trung tại các quận ven và các huyện ngoại thành. Quận Tân Phú có nhiều nhất với 23 dự án, Hóc Môn 9 dự án… Ngoài ra, còn có 102 dự án phân lô của các doanh nghiệp, trong đó tại quận Bình Tân đã có tới 40 dự án, quận 6 có 15 dự án... Đến nay, mới chỉ có gần 48% số căn nhà thuộc các dự án này được cấp giấy chủ quyền. Sở Xây dựng cho biết, phần lớn các dự án chưa được cấp giấy chủ quyền do xây sai thiết kế mẫu nhà; tự ý phân lô, điều chỉnh quy hoạch đã được cơ quan chức năng thông qua; sử dụng sai công năng; không đầu tư xây dựng hoặc có đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên không được nghiệm thu.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ quan chức năng đã thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý để các chủ đầu tư tự ý phân lô, điều chỉnh quy hoạch, không đầu tư hoặc đầu tư không hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người dân. Không chỉ không được hợp thức hóa chủ quyền nhà - đất mà hiện trên địa bàn TP, nhiều dự án phân lô hộ lẻ có hạ tầng quá tệ, người dân xây nhà để ở cũng khổ sở vì đường sá, đi lại khó khăn, môi trường sống bị ô nhiễm.

Thẩm quyền giải quyết thuộc về địa phương

Từ tháng 2/1999, UBND Tp.HCM có chủ trương cho thực hiện thí điểm sử dụng đất xây dựng nhà ở lẻ, đến năm 2002 thì ngưng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng sai phép trong các dự án còn rất nhiều và chưa giải quyết dứt điểm. Bao nhiêu năm nay, người dân sống trong các dự án phân lô hộ lẻ cũng khổ sở vì quyền lợi bị “treo”. Theo chỉ đạo của UBND TP, từ tháng 8/2010, Sở Xây dựng bắt đầu làm việc với các quận, huyện để rà soát các dự án phân lô hộ lẻ và dự án đầu tư xây dựng chung cư đã được Kiến trúc sư trưởng TP trước đây (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trước ngày 1/7/2004 nhưng xây sai quy hoạch, sai thiết kế, chưa đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật… gây khó khăn cho việc cấp giấy chủ quyền cho người dân.

Hoàn tất việc cấp GCN cho các dự án phân lô hộ lẻ vào cuối năm 2011

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài yêu cầu đến ngày 31/12/2011, chủ tịch UBND các quận - huyện phải hoàn tất, báo cáo kết quả với UBND TP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của các dự án phân lô hộ lẻ.

Theo UBND TP, việc xử lý, giải quyết cấp chủ quyền nhà - đất thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện. Chủ tịch UBND các quận - huyện phải chỉ đạo các phòng ban tập trung rà soát cụ thể từng dự án, xác định chính xác số lượng, mức độ vi phạm tại từng dự án. Về giải pháp thực hiện, các quận - huyện có thể nghiên cứu những hướng xử lý mà Sở Xây dựng đề nghị.

Sau khi xem xét cách thức thực hiện tại các quận - huyện, Sở Xây dựng đề xuất một số giải pháp và đề nghị TP chỉ đạo các quận - huyện nghiên cứu, áp dụng. Cụ thể, đối với dự án sai quy hoạch, sai thiết kế mẫu nhà, chủ dự án lập hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 và trình quận - huyện phê duyệt. Nếu không tìm được chủ dự án, UBND quận - huyện phải chỉ đạo các phòng ban chuyên môn chủ động xem xét lại quy hoạch và trình UBND quận - huyện điều chỉnh cục bộ.

Trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình trên đất cây xanh, công cộng, UBND quận - huyện nghiên cứu cân đối với các chỉ tiêu quy hoạch của các khu vực khác lân cận, đồng thời yêu cầu chủ dự án phải bỏ tiền bồi thường hoặc mua lại phần diện tích tương ứng giao cho quận - huyện. Riêng các dự án chưa đầu tư xây dựng hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh hạ tầng, UBND quận huyện yêu cầu chủ đầu tư phải làm xong. Nếu chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, UBND quận huyện lấy ý kiến của các hộ dân thuộc dự án về việc đóng góp kinh phí để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để có thể tiến hành cấp giấy chủ quyền cho người dân.

Trường hợp các chủ đầu tư có khả năng nhưng không thực hiện hoặc cố tình dây dưa, kéo dài, Sở Xây dựng TP đã đề xuất UBND TP một số biện pháp chế tài và tùy theo mức độ vụ việc, UBND quận huyện có thể đề nghị xử lý hình sự đối với các chủ đầu tư đó. Báo cáo với UBND TP về tình hình các dự án phân lô hộ lẻ, Sở Xây dựng khẳng định rõ, UBND quận - huyện hoàn toàn đủ thẩm quyền và căn cứ pháp lý để giải quyết các tồn đọng của dự án phân lô hộ lẻ dựa theo các quy định hiện hành. Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện tích cực giải quyết dứt điểm các sai phạm để thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Được biết, Sở Tư pháp TP cũng vừa gửi văn bản đề nghị UBND Tp.HCM hủy bỏ một số điều trong Quyết định 54 của UBND TP nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chủ quyền nhà - đất cho người dân. Trong đó, Sở Tư pháp đã kiến nghị bỏ quy định: “Một trong những giấy tờ tạo lập nhà đất phải có mới được cấp giấy chủ quyền là biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông Vận tải quản lý để đưa vào sử dụng”.

Theo Sở Tư pháp, chính vì quy định này mà nhiều năm nay, người dân mua đất xây nhà trong dự án hay mua căn hộ chung cư đã không được xét cấp chủ quyền khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện một trong những hạng mục hạ tầng như: đường giao thông, trường mầm non, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh…

(Theo SGGP)

  • 0
  • By Admin
  • 16/05/2011
  • 17