Tp.HCM: Dân "dài cổ" chờ bồi thường
Khu vực này đã được TP quy hoạch khu đô thị gần 20 năm qua và đã thay đổi qua nhiều chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Hiện TP đang chờ tìm chủ đầu tư để triển khai dự án.Một con đường trong khu Bình Quới - Thanh Đa được làm mới sau khi UBND Tp.HCM bỏ dự án “treo” ở đây |
Theo ghi nhận, cuộc sống của người dân Bình Quới có thay đổi tốt hơn hai năm trước. Những con đường đất như bờ mương ngoằn ngoèo đầy ổ gà, ổ voi đã được thay bằng đường bêtông rộng. UBND P.28 cho biết những con đường bêtông này mới làm từ đầu năm 2010, sau khi UBND TP có quyết định thu hồi dự án từ chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (do quá thời hạn triển khai dự án nhưng vẫn chưa triển khai). Anh Nguyễn Minh Lộc - một người dân ở tổ 9, khu phố 3 - cho biết nước máy đã về đến tận đầu xóm, nhà nào muốn chỉ cần gắn đồng hồ là có nước dùng. Nhà của anh Lộc đã được cấp chủ quyền cách đây một năm, nay gia đình anh đã có hộ khẩu thường trú, được cấp số nhà...
Tuy nhiên, sau khi được xóa dự án “treo”, người dân vẫn còn gặp một số khó khăn. Tại các khu dân cư, diện tích ruộng bỏ hoang nhiều hơn ruộng trồng lúa, trồng sen. Người dân ở đây cho biết đất trồng lúa, trồng sen là đất của người dân sở tại, họ bám ruộng để sống qua ngày. Còn đất mà người dân ở đây đã bán cho người khác, người mua chưa được làm giấy chủ quyền, chưa được xây nhà nên bỏ hoang. Ông Bùi Văn Beo ở tổ 9, khu phố 3 cho biết gia đình ông đã bán nhiều công ruộng cho người từ các quận khác đến mua. Ông Beo cũng như nhiều bà con ở đây mong Nhà nước thực hiện quy hoạch sớm, bồi thường đất để người dân có vốn đi chỗ khác làm ăn. Theo bà con ở đây, Nhà nước đã thu hồi dự án nhưng quyền lợi của người dân còn hạn chế rất nhiều: nhà chỉ được sửa chữa, nhà nào được xây mới cũng phải cam kết không đòi bồi thường khi giải tỏa. Người dân cực quá phải bán đất để xoay xở.
Theo UBND P.28, phân nửa diện tích 450ha đất thuộc khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa hiện là đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 30% diện tích đất nông nghiệp đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền. Theo quy định, đất trong khu quy hoạch không được chuyển mục đích sử dụng. Ông Mai Văn Ba - trưởng khu phố 3, P.28 - cho biết đất nông nghiệp ở đây rất xấu nên năng suất lúa chỉ bằng 1/3 năng suất ở ĐBSCL. Hơn nữa, thanh niên trong khu vực lớn lên đi học rồi làm việc khác hết, chỉ có người già ở nhà làm ruộng. Có người làm lúa mùa trước xong để nguyên gốc cấy tiếp mùa sau, được bao nhiêu thu bấy nhiêu vì mướn máy cày đất sẽ lỗ tiền công cày. Trồng hoa sen thu nhập cũng không cao hơn trồng lúa vì chỉ thu được sáu tháng (sáu tháng còn lại hoa sen rụi lá để chuẩn bị mọc mầm mới).
Theo ông Ba, có rất nhiều nhà ở khu phố 3 chưa được cấp giấy chủ quyền vì xây nhà sau khi Nhà nước công bố quy hoạch. Nhiều gia đình có nhà, đất trước thời điểm trên nhưng chủ nhà có xây, sửa, làm khác với hiện trạng ban đầu cũng không được cấp giấy chủ quyền. “Quy hoạch kéo quá dài nên người dân khổ, họ phải bán bớt đất với giá rẻ để lấy tiền xoay xở. Tôi đi vận động người dân đừng bán ruộng đất để chờ Nhà nước bồi thường, nhưng bồi thường giá bao nhiêu, có cao hơn giá đất mà người dân bán hiện tại hay không, và bao giờ bồi thường... tôi cũng không trả lời được cho bà con. UBND quận cũng không trả lời được thì làm sao dân tin?” - ông Ba bức xúc.
(Theo Tuổi trẻ)
- 135
- By Admin
- 12/09/2012
- 17