• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Công khai, giám sát thực hiện quy hoạch

Thành tựu bước đầu

Tp.HCM đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong việc quy hoạch khi kiên quyết dỡ bỏ những khu nhà cũ nát, hiệu quả sử dụng thấp, thay vào đó xây dựng những công trình nhà cao tầng khang trang, hiện đại, đồng thời dành một phần diện tích cho công trình công cộng như công viên, trồng cây xanh tạo sự thân thiện môi trường.

Nhiều công trình chỉnh trang và xây mới đã làm cho diện mạo TP thêm văn minh, hiện đại. Đó là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hàng ngàn nhà ổ chuột chen chúc bên bờ kênh đã được cải tạo thành công với kè chắn và cây xanh 2 bên.

Nhiều xóm nghèo, nhà cửa lụp xụp, tăm tối như Xóm Củi (quận 8), khu vực 2 bên kênh Lò Gốm (quận 6), các khu dân cư cũ nát chật chội ở các quận 3, 4, 8, 11, Tân Bình, Bình Tân... được xóa bỏ để xây chung cư cao tầng hoặc các khu đô thị mới.

Xây dựng Tp.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực phía Nam và cả nước; từng bước hình thành trung tâm thương mại, tài chính, khoa học công nghệ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

(Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị)

Các chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên cũng được triển khai tích cực. Nhiều công trình kiến trúc hiện đại và lộng lẫy như các tòa nhà Kumho Asiana, Vincom, Bitexco Financial Tower... trở thành điểm nhấn trên bức tranh toàn cảnh của kiến trúc Tp.HCM.

Thời gian qua, một số khu đô thị mới đã được hình thành, như Nam Sài Gòn (quận 7), Thủ Thiêm (quận 2), Tây Bắc (huyện Củ Chi), Hiệp Phước, Phước Kiểng (Nhà Bè), Sinh Việt (Bình Chánh), An Phú Hưng (Hóc Môn)... tạo cho Tp.HCM dáng dấp một đô thị đa tâm.

Ở những quận mới và một số khu vực ngoại thành, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhất là các quận 2, 7, 9, 10, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Ðức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... Nhiều công trình giao thông quan trọng cũng được TP, Trung ương đầu tư xây dựng như cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu, hầm Thủ Thiêm, các đường vành đai, đại lộ Đông Tây…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, sự phát triển quá nóng về xây dựng ở trung tâm TP cộng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở các quận, huyện đã để lại những hệ lụy không nhỏ khi phá vỡ quy hoạch chung và cảnh quan đô thị, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng giữa công trình xây dựng và môi trường thiên nhiên, kiến trúc đô thị thiếu hài hòa, bị chia cắt, manh mún.

Tình trạng ngập lụt của TP càng trở nên trầm trọng. Cứ sau cơn mưa lớn kéo dài hay đợt triều cường, nhiều tuyến đường và khu phố trở thành sông, hồ. Một nghịch lý là TP đã bỏ nhiều công sức, đầu tư khá lớn tiền của để khắc phục, nhưng càng chống càng ngập nhiều điểm hơn. Người dân còn đối mặt với nạn ùn tắc giao thông ngày càng lan rộng và thường xuyên; nước sạch tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Quản lý theo quy hoạch

Theo quy luật, với quy mô lớn như Tp.HCM, trong quá trình phát triển luôn nảy sinh những mâu thuẫn. Vì thế cần vận dụng những quy luật khách quan, chủ quan để hóa giải mâu thuẫn bằng những mô hình thích hợp, trong đó ứng xử với đô thị như là cơ thể sống, khắc phục những hạn chế và phát huy lợi thế có ý nghĩa quan trọng.

Sự phát triển của TP cần đồng bộ và hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giữa bảo tồn di tích văn hóa - lịch sử và bản sắc với phát triển các khu đô thị nội thành và ngoại thành, giữa phát triển các không gian đô thị với việc bảo tồn các mảng xanh.

Lộ trình cho phát triển đô thị trước hết cần tuân thủ triệt để quy hoạch tổng thể mà Thủ tướng đã phê duyệt, phấn đấu đạt chuẩn thiết kế đô thị mang tính đặc thù của vùng đô thị sông nước Nam bộ, có tính đến biến đổi khí hậu.

Cần đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết 1/2.000 và 1/500, xây dựng các khu đô thị vệ tinh để thu hút dân cư nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Các đô thị này phải đủ cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, phù hợp với ngành nghề của các đối tượng dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất sự di chuyển của người dân. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương và các tuyến đường sắt trên cao.

Phát triển đồng bộ hạ tầng, hệ thống giao thông giữa các đô thị và giữa các vùng, hạn chế xe gắn máy, phát triển mạnh phương tiện vận chuyển công cộng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt không phát triển thêm khu công nghiệp - khu chế xuất tại khu vực đầu nguồn sông, kênh rạch; khuyến khích doanh nghiệp thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến.

Tổng thể kiến trúc mỗi khu vực cần giữ được bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, đặc điểm xã hội, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại...

Trước mắt cần nhanh chóng đổi mới toàn diện công tác quản lý quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể, lập bộ máy quản lý có hệ thống, phân cấp rõ ràng giữa TP và quận, huyện, giữa TP với vùng đô thị trọng điểm phía Nam.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho quy hoạch, khuyến khích ý tưởng phát triển đô thị bền vững vào hệ thống nghiên cứu chiến lược của TP. Trong đó, quan điểm phát triển đô thị bền vững phải giữ vai trò chủ đạo, tránh phá vỡ quy hoạch tổng thể.

Hạn chế và quản lý tốt đà tăng dân số quá nhanh, nhất là tăng dân số cơ học (di dân), góp phần lập lại trật tự xã hội, xây dựng xã hội đô thị ổn định, bền vững. Công khai toàn bộ đồ án quy hoạch tổng thể đô thị để người dân tìm hiểu, đóng góp và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch.

PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM

  • 222
  • By Admin
  • 25/01/2014
  • 17