• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Chừng nào hết khát bãi giữ xe

Trong khi các dự án bãi đậu xe ngầm tại Tp.HCM vẫn nằm trên giấy hoặc đã khởi công nhưng rơi vào cảnh "án binh bất động" vì khó khăn trong cơ chế thì bãi đậu xe cao tầng đầu tiên đã được đưa vào sử dụng. Công trình Khu nhà để xe cao tầng do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) thực hiện khai trương vào ngày 17/05 với tổng diện tích hơn 32.000m2, sức chứa khoảng 1.000 xe ô tô.

Đây là dự án quy mô lớn đầu tiên tại khu vực trung tâm được đưa vào sử dụng. Mức giá giữ xe đối với ô tô 9 chỗ trở xuống theo tháng khoảng 2 triệu đồng/tháng, theo giờ với mức giá khoảng 20.000 đồng/giờ; đối với xe máy là 4.000 đến 5.000 đồng/ngày. Khu giữ xe này được xem như một dòng nước mát giải khát cho nhu cầu khan hiếm bãi giữ xe của Tp.HCM trong thời gian qua, tuy nhiên sức chứa của nó vẫn chưa thấm vào đâu so với lượng phương tiện giao thông khổng lồ đang chờ tìm bến đậu của thành phố.

Tình trạng thiếu bến bãi đậu xe trên địa bàn Tp. HCM nhất là ở khu vực trung tâm không phải là vấn đề mới. Khi mà quỹ đất thành phố đang ngày một khan hiếm cộng thêm sự gia tăng liên tục về số lượng phương tiện giao thông lưu hành, vô hình chung tạo ra sức ép lớn lên các chính sách quy hoạch hạ tầng của thành phố trong tương lai. Xây dựng các bãi đậu xe trở thành bài toán khó khăn đối với các cấp quản lý. Thực trạng chiếm dụng mặt đường để lưu đậu hoặc chạy lòng vòng vì không tìm được chỗ đậu xe dẫn đến ùn tắc giao thông là hiện tượng phổ biến hiện nay.

Theo thống kê của Sở xây dựng Tp.HCM, 79 công trình cao ốc trong khu trung tâm Tp. HCM nhưng chỉ có 14 công trình đủ chỗ để xe, 59 công trình không đủ diện tích và 6 công trình không có chỗ để xe. Thống kê mới nhất của Sở Giao thông Vận tải cũng cho thấy, toàn thành phố có gần 600.000 ôtô, hàng nghìn xe du lịch, vận tải từ các nơi khác vào Tp. HCM nên nhu cầu về bãi đỗ xe càng trở nên cấp thiết.

Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2005, lãnh đạo thành phố đưa vào triển khai nhiều dự án xây dựng các bãi đậu xe ngầm gồm: dự án Công viên Lê Văn Tám (diện tích đất xây dựng ngầm 29.240m2, gồm 5 tầng đậu xe với 28 chỗ đỗ xe buýt và xe tải, 1.250 chỗ đỗ ô tô con, hơn 2.000 chỗ cho xe máy); sân khấu Trống Đồng (1.620m2, gồm 9 tầng đậu xe với 560 chỗ đậu ô tô); sân bóng đá thuộc Công viên Tao Đàn (11.578m2, gồm 5 tầng với sức chứa tối đa 1.050 ô tô và 1.492 xe máy); Sân vận động Hoa Lư (15.570m2 gồm 5 tầng với sức chứa 3.062 chỗ đậu ô tô.

Tuy là nhu cầu bức thiết nhưng 10 năm trôi qua kể từ khi khởi động dự án bãi đậu xe ngầm đầu tiên, đến nay người dân thành phố vẫn chưa biết “mặt mũi” bãi đậu xe ngầm ra sao. Thực tế nếu đi vào hoạt động, sức chứa của 4 bãi giữ xe này cũng chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu đậu xe trong trung tâm của người dân thành phố mà thôi.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM, đến năm 2020 diện tích dành cho bến bãi là 1.145ha, trong khi hiện tại Tp.HCM chỉ mới có 76,84ha, chỉ bằng khoảng 6,7% so với chỉ tiêu quy hoạch. Thực trạng khan hiếm quỹ đất dành cho bến bãi cộng với việc phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện, đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận tải và an toàn giao thông của Tp.HCM. Thêm vào đó sự chậm trễ của các dự án bãi đậu xe càng làm trầm trọng hơn tình trạng phức tạp trong hệ thống giao thông hiện tại của thành phố.

Nguyên nhân chủ yếu trong sự chậm trễ của các dự án bãi giữ xe ngầm là do nhà đầu tư và doanh nghiệp tư vấn chưa có nhiều kinh nghiệm về thiết kế phòng cháy chữa cháy dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần, mất thời gian. Ngoài ra, khó khăn trong việc tính toán giá thuê đấ làm cho các dự án vốn đã chậm lại càng thêm chậm.

Mới đây, UBND Tp.HCM đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính, đề xuất các chính sách như miễn tiền thuê đất hoặc sử dụng đất, ưu đãi thuế... Ngoài ra, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh bãi giữ xe, thành phố cũng đề xuất các hình thức ưu đãi về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi giữ xe. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN không đưa nhóm các dự án bãi đậu xe công cộng vào dự án bất động sản mà cần đưa vào nhóm dự án hạ tầng để được khuyến khích cho vay vốn đầu tư, Có như vậy thì thành phố mới đạt được mục tiêu quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Ngoài ra còn nhiều ý kiến cho rằng Tp.HCM nên tăng cường bố trí quỹ đất dành cho giao thông tĩnh (bến bãi), đẩy nhanh công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng chung để đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch. Nghiên cứu vận dụng các chính sách quy định hiện hành và đặc thù để có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng bến bãi, góp phần giải quyết nhu cầu đậu xe, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, trung chuyển hàng hóa và kéo giảm ùn tắc giao thông.

Chưa biết các đề xuất trên liệu có mang lại hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề bến bãi của thành phố trong tương lai hay không, còn hiện tại ngày ngày số lượng phương tiện giao thông khổng lồ tại Tp.HCM đang vẫn chật vật tìm chỗ đậu, vỉa hè vẫn bị chiếm lĩnh và tình trạng chạy xe vòng vòng chờ lượt đậu vẫn diễn ra.

Phương Uyên

  • 143
  • By Admin
  • 26/05/2014
  • 17