Tp.HCM: Chờ đợi 13 năm vẫn chưa có giấy chủ quyền
Dự án trên do Công ty Địa ốc Bình Thạnh làm chủ đầu tư. Theo một số bạn đọc, họ đã mua đất của dự án này từ nhiều năm nay nhưng không biết vì sao đến nay chưa được cấp giấy chủ quyền.Một phần do chậm xây dựng chung cư nên dự án khu dân cư trên đường Trường Sa, P.17, Q.Bình Thạnh kéo dài thời gian cấp giấy chủ quyền cho khách hàng - Ảnh: P.P.H |
Chờ đợi 13 năm
Ông Lữ Quốc Thắng, phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Bình Thạnh, cho biết dự án trên có 12 nền, một chung cư và công ty ký hợp đồng bán cho khách hàng khoảng những năm 1996-1998. Ngoài một trường hợp cam kết tự làm giấy chủ quyền, các trường hợp còn lại mới ký hợp đồng tạm và chưa thanh toán hết tiền nền đất.Theo quy định, dự án phải xây dựng xong và hoàn chỉnh hạ tầng mới được cấp giấy chủ quyền, nhưng dự án chung cư bị vướng giải tỏa, chưa triển khai được nên việc cấp giấy chủ quyền cho các hộ mua nền đất bị kéo dài. Dự kiến giữa năm nay sẽ hoàn thành dự án chung cư và công ty sẽ mời khách hàng lên ký hợp đồng chuyển nhượng nền đất chính thức. Khi khách hàng trả xong tiền sẽ tiến hành cấp giấy chủ quyền.
Ông C., một khách hàng của dự án khu nhà ở Tân Phong (P.Tân Phong, Q.7), cho biết: “Tôi mua nền đất từ cuối năm 2003 và thanh toán 90% số tiền, phần còn lại sẽ trả khi chủ đầu tư giao giấy chủ quyền, nhưng đến nay hơn bảy năm mà chưa thấy giấy chủ quyền đâu!”.
Lãnh đạo Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Kim Sơn (chủ đầu tư dự án nói trên) cho biết dự án đã đền bù 75% diện tích và có hơn 100 khách hàng ký hợp đồng mua nền đất. Theo quy định, phải đền bù xong toàn bộ dự án, hoàn tất hạ tầng và thu hồi hết giấy chủ quyền của chủ cũ (đối với phần đất đã đền bù xong) mới được cấp giấy chủ quyền.
Hiện công ty mới làm xong hạ tầng một số khu vực và còn một số giấy chủ quyền cũ chưa thu hồi được. Công ty đã kiến nghị cơ quan chức năng tách phần diện tích đã làm xong hạ tầng để cấp giấy chủ quyền cho khách hàng. Dự kiến trong năm nay, các khách hàng mua nền đất tại dự án sẽ được cấp giấy chủ quyền.
Phải giải quyết
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, về nguyên tắc các dự án phải đảm bảo xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường, hệ thống thoát nước...) và hạ tầng xã hội (công viên, công trình công cộng...) theo đúng quy hoạch. Nhưng một số dự án xây dựng không đúng quy hoạch và hiện cũng không còn chủ đầu tư (do công ty đã giải thể, sáp nhập với công ty khác) hoặc còn chủ đầu tư nhưng không có khả năng khắc phục hậu quả để cấp giấy chủ quyền cho dân.Sở Xây dựng TP kiến nghị UBND TP: đối với các dự án xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế mẫu nhà, chủ đầu tư lập hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch hoặc điều chỉnh mẫu nhà, trình UBND quận huyện phê duyệt.
Trường hợp không tìm ra chủ đầu tư thì UBND quận huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan xem xét lại quy hoạch, trình UBND quận huyện điều chỉnh. Với những dự án mà chủ đầu tư đã cho xây dựng nhà ở, công trình trong khu vực quy hoạch đất cây xanh, công trình công cộng... thì UBND quận huyện cân đối chỉ tiêu quy hoạch của khu vực lân cận. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đền bù hoặc mua lại phần diện tích tương ứng trong khu vực, giao cho quận huyện làm công viên, công trình công cộng.
Riêng các dự án chưa đầu tư xây dựng hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh hạ tầng, UBND quận huyện yêu cầu chủ đầu tư phải làm xong. Nếu chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, UBND quận huyện lấy ý kiến của các hộ dân thuộc dự án về việc đóng góp kinh phí để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, tiến hành cấp giấy chủ quyền.
Sở Xây dựng TP đề xuất UBND TP chỉ đạo các quận huyện giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến các dự án trên, hạn chót đến ngày 31-12-2011 phải hoàn tất, báo cáo kết quả cho UBND TP.
Trường hợp các chủ đầu tư có khả năng nhưng không thực hiện hoặc cố tình dây dưa, kéo dài, Sở Xây dựng TP đã đề xuất UBND TP một số biện pháp chế tài và tùy theo mức độ vụ việc, UBND quận huyện có thể đề nghị xử lý hình sự đối với các chủ đầu tư đó.
Hàng chục ngàn lô đất chưa được cấp chủ quyềnTheo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng TP, Tp.HCM hiện có hơn 200 dự án phân lô, gồm các dự án phân lô hộ lẻ, dự án phân lô của doanh nghiệp và dự án nhà ở của cán bộ công nhân viên với gần 35.000 nền đất. Đến nay, còn hơn phân nửa số nền đất trên chưa được cấp giấy chủ quyền.Phần lớn các dự án chưa được cấp giấy chủ quyền do xây sai thiết kế mẫu nhà; tự ý phân lô, điều chỉnh quy hoạch đã được cơ quan chức năng thông qua; sử dụng sai công năng; không đầu tư xây dựng hoặc có đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên không được nghiệm thu. |
(Theo TTO)
- 0
- By Admin
- 16/03/2011
- 17